Điểm đến

Bên trong dinh thự đế vương một thời: Sở hữu hệ thống đường hầm xuyên đồi dài 3km, bãi đáp trực thăng thông phòng ngủ

Quỳnh Châu 03/01/2024 - 09:54

Đây là nơi được vua Bảo Đại sử dụng làm nơi ở, nghỉ ngơi, sinh sống cùng gia đình khi còn là Quốc trưởng.

Dinh Bảo Đại tại Đà Lạt là dinh thự nổi tiếng gắn liền với vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Địa danh này thu hút du khách bởi phong cách kiến trúc độc đáo, khuôn viên trang nhã, cung đường tuyệt đẹp. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, Dinh Bảo Đại vẫn trường tồn đến tận ngày nay. Vẻ đẹp xa hoa, lộng lẫy với kiến trúc đậm chất châu Âu đã khiến bao nhiêu du khách “u mê quên lối về”.

Khám phá dinh thự của đế vương một thời

Thời gian làm Quốc trưởng, Bảo Đại cho mua lại một dinh thự cổ kính, uy nghi của một viên chức người Pháp tên là Robert Clément Bourgery (xây dựng vào những năm 1940, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 4km về hướng đông nam), để làm tổng hành dinh và nơi làm việc cho các quan chức trong “Hoàng triều cương thổ”, ngày nay hay được gọi là Dinh I Bảo Đại.

Dinh Bảo Đại được xây dựng theo kiến trúc Pháp

Dinh Bảo Đại được xây dựng theo kiến trúc Pháp

Dinh thự có kiến trúc đậm phong cách tân cổ điển châu Âu, tọa lạc trên một ngọn đồi cao 1.550m so với mực nước biển, xung quanh là rừng thông xanh thẳm trập trùng. Dinh I được xây kiên cố bằng gạch và đá, mái lợp ngói, gồm một tầng hầm, tầng trệt và tầng lầu. Toàn bộ khu vực rộng 18ha, trong đó tòa nhà là 818m2, gồm 12 phòng lớn nhỏ. Đây là một trong những công trình kiến trúc đồ sộ bậc nhất ở Đà Lạt thời bấy giờ.

Phòng họp nội các của cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh: Báo Thanh Niên

Phòng họp nội các của cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh: Báo Thanh Niên

Bước vào cửa chính của tòa dinh thự, người xem sẽ thấy nét đối xứng trong thiết kế, xây dựng tòa nhà với hệ thống cầu thang và hành lang bằng gỗ (được nhập từ Thái Lan) mở hướng sang hai bên. Nét cổ điển của tòa nhà thể hiện trên hệ thống cửa chính và cửa sổ với những vòm cung tròn mái bẻ góc ở đuôi. Mặt đứng dinh thự được trang trí với nhiều chi tiết tinh tế càng làm tăng thêm dáng vẻ sang trọng.

Trong khuôn viên dinh thự, dưới thung lũng sâu bên rừng thông có hồ tắm thiên nhiên, nguồn nước chảy từ lòng núi ra trong lành nhưng không quá lạnh, vẫn được vua Bảo Đại và gia đình làm nơi thư giãn. Người dân địa phương vẫn thường gọi hồ tắm thiên nhiên này là “ao vua”. Ngoài ra, Dinh I còn có khu nhà dành cho Ngự lâm quân và vườn Ngự uyển dẫn vào khu vực săn bắn.

tham-quan-dinh-1-da-lat
Khuôn viên bên trong dinh thự

Khuôn viên bên trong dinh thự

Khi xưa Quốc trưởng Bảo Đại sắp xếp nơi tiếp khách và làm việc của các quan trong Hoàng triều ở tầng 1, còn tầng 2 được sử dụng làm nơi nghỉ ngơi và làm việc. Do Hoàng hậu Nam Phương sang Pháp sống lưu vong từ năm 1947 nên sau khi làm Quốc trưởng, Bảo Đại đã đón thứ phi Bùi Thị Mộng Điệp lên Đà Lạt. Bà Mộng Điệp cũng là người thường đi săn cùng Bảo Đại, giúp chồng quản lý Cương thổ, thường xuyên qua lại giữa Đà Lạt và Buôn Ma Thuột.

Hệ thống đường hầm bí ẩn nối các dinh thự

Khi còn sống, ông Nguyễn Đức Hòa, hầu cận thân tín của vua Bảo Đại từng kể với người viết, khi sửa sang Dinh I, ông và vài người khác phát hiện ra đường hầm bí mật và báo với Bảo Đại. Quốc trưởng căn dặn phải giữ kín chuyện này, không ai được hé răng.

Cửa vào hầm bí mật được thiết kế 2 lớp cửa sắt. Ảnh: Báo Thanh Niên

Cửa vào hầm bí mật được thiết kế 2 lớp cửa sắt. Ảnh: Báo Thanh Niên

Sau đó, Bảo Đại cho xây dựng bãi đáp máy bay trực thăng ở phía sau dinh, nơi cửa hầm bí mật thông ra để nhanh chóng thoát thân nhỡ khi xảy ra bất trắc. Cũng tại Dinh I, một nhánh của hệ thống đường hầm bí mật được đào xuyên qua nhiều quả đồi để ăn thông đến tận Dinh II (Dinh toàn quyền Đông Dương).

Đường hầm vào phòng nghỉ của nhà vua lúc nguy biến. Ảnh: Báo Thanh Niên

Đường hầm vào phòng nghỉ của nhà vua lúc nguy biến. Ảnh: Báo Thanh Niên

Đường hầm bí mật này có chiều dài khoảng 3km và có các nhánh rẽ vào một số biệt thự trên đường Paul Doumer (nay là Trần Hưng Đạo). Độ cao trung bình của đường hầm trên toàn tuyến khoảng gần 2m, rộng hơn 1m. Tuy nhiên, cũng có một số đoạn tương đối thấp nên phải đi khom, những nơi có ngã ba thường được mở rộng hơn, đủ chỗ cho 5-6 người trú ẩn.

Một góc phòng nghỉ của cựu hoàng Bảo Đại dưới lòng đất. Ảnh: Báo Thanh Niên

Một góc phòng nghỉ của cựu hoàng Bảo Đại dưới lòng đất. Ảnh: Báo Thanh Niên

Năm 1955, sau khi phế truất Bảo Đại và lên làm tổng thống, Ngô Đình Diệm chọn Dinh I làm nơi nghỉ dưỡng. Tổng thống đã cho đổ bê tông gia cố đường hầm đồng thời là lối thoát hiểm đã có từ trước. Đường hầm cách mặt đất hơn 10m, thông từ phòng ngủ của tổng thống ra bãi đáp của máy bay trực thăng. Cửa hầm được ngụy trang bằng một giá sách, chỉ cần dịch chuyển nhẹ giá sách là có thể lách người qua cửa để xuống đường hầm kiên cố. Trong hầm bí mật có bố trí phòng riêng của tổng thống, phòng bảo vệ và phòng điện đài cơ yếu...

Dọc lối xuống hầm có những lỗ châu mai có thể nhìn ra ngoài. Ảnh: Báo Thanh Niên

Dọc lối xuống hầm có những lỗ châu mai có thể nhìn ra ngoài. Ảnh: Báo Thanh Niên

Nhiều giả thuyết cho rằng, nhóm thợ thi công đường hầm sau hoàn thành xây dựng đã bị thủ tiêu để giấu kín về sự tồn tại của căn hầm, đồng thời Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng lệnh cho những người trong tòa nhà nếu "muốn còn đầu để đội mũ thì phải giữ kín bí mật".

Hiện nay, đường hầm được xây dựng bằng đá và đúc bê tông kiên cố dày khoảng 70cm, dọc đường hầm có các lỗ châu mai có thể quan sát ra bên ngoài, nhưng từ bên ngoài không thể nhìn vào bên trong đường hầm.

Bãi đáp máy bay cách hầm bí mật khoảng 100m. Ảnh: Báo Thanh Niên

Bãi đáp máy bay cách hầm bí mật khoảng 100m. Ảnh: Báo Thanh Niên

Ngoài Dinh I, ở Đà Lạt, vua Bảo Đại còn có một dinh thự lộng lẫy, được xây dựng khi ông đang trị vì, được gọi là Dinh III hay biệt điện Bảo Đại, tọa lạc trên đồi thông có độ cao 1.539m, cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 2km về hướng tây nam. Công trình do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát cùng một kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Sau 5 năm xây dựng (từ 1933-1938), dinh thự được hoàn thành với 2 tầng và 25 phòng.

Hiện nay, Dinh III hầu như vẫn giữ được gần như nguyên trạng ban đầu với các phòng tiếp khách, hội họp, phòng ngủ... của vua Bảo Đại cùng hoàng hậu Nam Phương và các con. Đây là dinh mà vua Bảo Đại thường cùng gia đình lên Đà Lạt nghỉ mát và ở lại mỗi dịp hè.

>> Cận cảnh căn dinh thự 137 tuổi, rộng 1.400m2 bề thế nhất vùng Nam Kỳ xưa

Làng tỷ phú nức tiếng ở Nam Định: Đi vài trăm mét có một dinh thự, tàu trăm tỷ xuôi ngược khắp chốn, nổi tiếng với đám cưới của "cô dâu 200 cây vàng"

Ly kỳ giai thoại Vua Mèo cai quản cả vùng cao nguyên Đồng Văn, ủng hộ Chính phủ 7kg vàng, xây dinh thự 3.000m2 trị giá 15 vạn đồng bạc trắng

Tận mục dinh thự nghìn tỷ của gia tộc vua sòng bài Macau đắt đỏ đến từng chi tiết, xứng danh siêu giàu châu Á

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ben-trong-dinh-thu-de-vuong-mot-thoi-so-huu-he-thong-duong-ham-xuyen-doi-dai-3km-bai-dap-truc-thang-thong-phong-ngu-d114029.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bên trong dinh thự đế vương một thời: Sở hữu hệ thống đường hầm xuyên đồi dài 3km, bãi đáp trực thăng thông phòng ngủ
POWERED BY ONECMS & INTECH