Bên trong đường hầm chuyển bệnh nhân dài 65m duy nhất tại bệnh viện ở TP. HCM, kết nối cấp cứu với hàng không
Con đường hầm đặc biệt dài gần 65m, được thiết kế theo hướng hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới, giúp quá trình chuyển bệnh nhân cấp cứu được nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Đó là đường hầm vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng cùng lúc với tòa nhà chẩn đoán, điều trị Kỹ thuật cao tại Bệnh viện Nhân Dân 115 (phường 12, quận 10, TP. HCM). Tuyến đường có tổng chiều dài 64,7m, chiều rộng 5m, nóc hầm nằm sâu bên dưới, cách mặt đất 6m. Một đầu của đường hầm nối với hệ thống thang máy của tòa nhà 10 tầng mới xây dựng, đầu còn lại của đường hầm kết nối với 2 thang máy chuyển bệnh thẳng lên khoa Cấp cứu của bệnh viện.
Công trình này ra đời giúp việc vận chuyển bệnh nhân cũng như việc đi lại của đội ngũ y, bác sĩ cũng như nhân viên bệnh viện được thuận tiện hơn, không còn cảnh phải chen giữa dòng xe cộ đang ùn tắc trên đường Sư Vạn Hạnh, giảm nguy cơ tai nạn.
Được khởi công từ tháng 7/2016, tòa nhà khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao gồm 10 tầng, có 2 tầng hầm riêng và đường hầm kết nối. Đặc biệt, tòa nhà có sân đáp trực thăng, hỗ trợ cấp cứu hàng không bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Công trình được thiết kế theo hướng hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới, có tổng diện tích sàn xây dựng trên 19.000 m2, với số vốn đầu tư hơn 332 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Thành phố.
BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết, đường hầm kết nối tòa nhà mới xây dựng với khu vực cấp cứu và điều trị nội trú sẽ giúp việc vận chuyển bệnh diễn ra nhanh chóng, an toàn, tránh được nguy hiểm cho cả nhân viên y tế và cả người bệnh khi phải băng qua đường.
Việc thiết kế đường hầm này còn đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế nguy cơ ùn tắc, kẹt xe cho đường Sư Vạn Hạnh và đảm bảo mỹ quan đô thị.
Ngoài ra, một công năng khác của đường hầm được BS Trần Văn Sóng nhấn mạnh khi chia sẻ là khả năng phản ứng nhanh của tuyến đường hầm trong mục tiêu triển khai cấp cứu hàng không của bệnh viện. “Chúng tôi đang xúc tiến nhanh các phương án để xin phép Bộ Quốc phòng mở đường bay cấp cứu bằng trực thăng đến nóc tòa nhà của Trung tâm Chẩn đoán Điều trị Kỹ thuật cao. Bệnh viện đang chủ động kết nối với các đơn vị cung cấp phương tiện cấp cứu đường hàng không để có thể đưa vào vận hành loại hình cấp cứu này trong thời gian sớm nhất” - BS Sóng chia sẻ.
Cũng theo BS Sóng, hiện nay, nguồn nhân lực và trang thiết bị tại bệnh viện đã sẵn sàng và đủ sức triển khai loại hình cấp cứu đường hàng không. Tuyến đường hầm được thiết kế là một phần trong kiến trúc tổng thể nhằm mục đích chuyển bệnh cấp cứu từ nóc tòa nhà 10 tầng đến khu vực cấp cứu diễn ra nhanh chóng và an toàn nhất để ứng phó với mọi trường hợp khẩn cấp và thiên tai, thảm họa (nếu có).
Tại TP. HCM có nhiều bệnh viện xây dựng các công trình nằm song song cả 2 bên đường như Chợ Rẫy, Bình Dân, Ung Bướu (cơ sở 1), Nguyễn Tri Phương. Để đảm bảm an toàn giao thông, các bệnh viện trên đã thiết kế cầu vượt bộ hành kết nối các công trình phục vụ việc đi lại của nhân viên y tế và người bệnh.
Tuy nhiên, các công trình cầu vượt bộ hành bộc lộ khá nhiều hạn chế khi một số cầu được thiết kế có các bậc tam cấp và nhỏ hẹp nên khó vận chuyển những trường hợp bệnh nặng bằng băng ca hoặc xe lăn. Phương án xây dựng đường hầm dưới lòng đất tại Bệnh viện Nhân dân 115 lần đầu tiên được đưa vào sử dụng tại TP. HCM được xem là giải pháp tối ưu và mang tính bền vững trong việc kết nối, vận chuyển bệnh và đi lại giữa các công trình cùng một bệnh viện nhưng bị chia cắt bởi các tuyến đường.