Du ngoạn

Bên trong ngôi nhà nơi Bác Hồ khai sinh ra bản Tuyên ngôn Độc lập, là biệt thự của vợ chồng nhà tư sản từng hiến 5.000 lượng vàng cho cách mạng

Thùy Dung + Vĩ Hạ 02/09/2024 10:01

Gần 8 thập kỷ trôi qua, ngôi nhà hiện vẫn còn giữ được nét xưa cũ và trở thành ‘địa chỉ đỏ’ để giáo dục tình yêu nước cho thế hệ trẻ.

1

Căn nhà số 48 Hàng Ngang xưa thuộc địa phận phường Diên Hưng, tổng Hữu Túc, sau được đổi thành tổng Đông Thị, huyện Thọ Xương. Nay, căn nhà nằm trên phố Hàng Ngang thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hình ảnh tư liệu hiếm hoi về căn nhà số 48 Hàng Ngang. Ảnh tư liệu

Hình ảnh tư liệu hiếm hoi về căn nhà số 48 Hàng Ngang. Ảnh tư liệu

Nguyên chủ của ngôi nhà là cụ Trịnh Phúc Lợi sau này được ông Trịnh Văn Bô kế thừa và xây dựng lại vào những năm đầu thế kỷ 20. Căn nhà được xây dựng theo phong các kiến trúc hiện đại gồm 4 tầng. Tầng 1 của căn nhà hướng mặt ra phố Hàng Ngang, tầng 2 và 3 là các phòng dùng để tiếp khách, phòng ăn, phòng ngủ, tầng 4 chủ yếu làm kho chứa hàng. Ngôi nhà có 2 cổng, cổng chính là số 48 Hàng Ngang, cổng sau là số 35 Hàng Cân.

Theo tư liệu từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Khuất Duy Tiến đã gặp gỡ và giác ngộ cách mạng cho ông Trịnh Văn Bô - chủ ngôi nhà. Không lâu sau, cả gia đình ông Bô tham gia Mặt trận Việt Minh, biến nơi đây thành một cơ sở đáng tin cậy của Việt Minh tại nội thành Hà Nội. Đặc biệt, ngôi nhà cao tầng trên phố Hàng Ngang với cửa sắt kiên cố đã trở thành địa điểm lý tưởng cho các hoạt động cách mạng nhờ thuận lợi trong công tác bảo vệ.

Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô là chủ nhân của ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Ảnh tư liệu

Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô là chủ nhân của ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Ảnh tư liệu

Sở dĩ, Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn địa điểm này làm nơi ở và làm việc cho các đồng chí trong Trung ương Đảng trước Cách mạng tháng Tám vì hai lý do quan trọng. Thứ nhất, ngôi nhà tọa lạc giữa khu vực buôn bán sầm uất, nơi đông người liên tục qua lại. Từ tầng 4, có thể quan sát toàn cảnh một khu vực rộng lớn từ chợ Đồng Xuân đến ngã tư Hàng Đào, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bí mật của Đảng. Thứ hai, gia đình ông Trịnh Văn Bô, một nhà tư sản yêu nước đã giác ngộ cách mạng từ lâu nên các đồng chí hoạt động cách mạng có thể hoàn toàn tin tưởng để đây trở thành cơ sở bí mật của Đảng tại nội thành Hà Nội.

Con phố Hàng Ngang xưa là địa điểm thuận lợi cho hoạt động cách mạng, vừa đảm bảo bí mật và vừa dễ dàng quan sát tình hình. Ảnh tư liệu

Con phố Hàng Ngang xưa là địa điểm thuận lợi cho hoạt động cách mạng, vừa đảm bảo bí mật và vừa dễ dàng quan sát tình hình. Ảnh tư liệu

Vào ngày 22/8/1945, khi Cách mạng tháng Tám vừa kết thúc thắng lợi, cũng chính tại căn nhà này, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Đảng đã chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng để thảo luận về các vấn đề đối nội, đối ngoại và chuẩn bị đón Bác Hồ về Hà Nội.

3

Khi Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi, ngày 23/8/1945 từ Chiến khu Việt Bắc Bác về đến thôn Phú Gia (trước gọi là làng Gạ), xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngày 25/8/1945, Bác vào nội thành, các đồng chí lãnh đạo Đảng đón Người về ở 48 Hàng Ngang. Đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân tới Hà Nội sau cuộc hành trình dài bôn ba đi tìm đường cứu nước .

Lịch làm việc của Bác trong những ngày sống và làm việc tại căn nhà số 48. Ảnh tư liệu

Lịch làm việc của Bác trong những ngày sống và làm việc tại căn nhà số 48. Ảnh tư liệu

Để đảm bảo bí mật, Bác được đưa vào theo mặt sau là cửa nhà số 35 Hàng Cân. Bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông Trịnh Văn Bô) từng kể rằng: “Tôi nhớ lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà tôi. Người ăn mặc rất giản dị, áo nâu, quần soóc nâu, đi dép cao su”.

Ban đầu, gia đình ông Bô sắp xếp mời Bác lên ở tầng 3 để đảm bảo sự yên tĩnh. Tuy nhiên, do Bác không thích ở một mình nên Người chỉ ở đó 2 tối. Sau đó, các đồng chí Trung ương đã bố trí cho Bác xuống căn phòng nhỏ liền kề với phòng khách trên tầng 2. Căn phòng nhỏ được bày trí đơn giản với một chiếc bàn tròn, một chiếc ghế bành cao lưng tựa bọc vải trắng, và một chiếc ghế dài. Chính tại căn phòng nhỏ ấy, Bác đã khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Văn phòng nhỏ tại tầng 2 của nhà 48 Hàng Ngang - nơi Bác đã khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ảnh: PV

Văn phòng nhỏ tại tầng 2 của nhà 48 Hàng Ngang - nơi Bác đã khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ảnh: PV

Thông với phòng ở của Bác là căn phòng khách rộng chừng 50m2, có cửa kính, cửa chớp, rèm và có kê một bộ sa lông tiếp khách. Đối diện qua lối hành lang tầng 2 có một phòng rộng 60m2, đây là nơi Bác thường làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ để chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời vào ngày 2/9/1945.

Thông với phòng của Bác là căn phòng khách rộng chừng 50m2 có kê bộ salon lớn dùng để tiếp khách. Ảnh: PV

Thông với phòng của Bác là căn phòng khách rộng chừng 50m2 có kê bộ salon lớn dùng để tiếp khách. Ảnh: PV

Một căn phòng khác tại tầng 2 của ngôi nhà được bố trí làm phòng họp, đây là nơi Bác thường làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ để chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời. Ảnh: PV

Một căn phòng khác tại tầng 2 của ngôi nhà được bố trí làm phòng họp, đây là nơi Bác thường làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ để chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời. Ảnh: PV

2

Sau khi Bác mất, ngôi nhà này đã trở thành một di tích cách mạng ở Thủ đô. Ngày 29/04/1979, theo Quyết định số 54-VHTT/QĐ, căn nhà số 48 Hàng Ngang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia và là một hệ thống chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Hình ảnh hiện tại của căn nhà số 48 Hàng Ngang. Ảnh: PV

Hình ảnh hiện tại của căn nhà số 48 Hàng Ngang. Ảnh: PV

Hiện nay, căn nhà số 48 Hàng Ngang đã được cải tạo thành một khu trưng bày những hình ảnh, kỷ vật lịch sử về Bác gắn với thời gian mùa thu năm 1945. Ảnh: PV

Hiện nay, căn nhà số 48 Hàng Ngang đã được cải tạo thành một khu trưng bày những hình ảnh, kỷ vật lịch sử về Bác gắn với thời gian mùa thu năm 1945. Ảnh: PV

Căn nhà cổ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia và là một hệ thống chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh vào năm 1979. Ảnh: PV

Căn nhà cổ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia và là một hệ thống chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh vào năm 1979. Ảnh: PV

Gần 8 thập kỷ trải qua nhiều biến chuyển của thời đại, ngôi nhà từng chứng kiến những thời khắc hào hùng của dân tộc vẫn còn đó những nét xưa cũ. Toàn bộ những kỷ vật từ bộ bàn ghế sa lông mềm mại, cả những bức rèm lụa trắng bay trong gió bên những ô cửa nhỏ hay bộ quần áo kaki, chiếc vali mây, góc bà Bác đã từng làm việc… vẫn giữ được trọn vẹn hơi ấm của lịch sử.

Bộ kaki Bác từng mặc lúc độc bản Tuyên ngôn Độc lập được mang từ vải của cửa hiệu Phúc Lợi số 48 Hàng Ngang hiện đang được bảo quản và trưng bày tại tầng 1 của ngôi nhà. Ảnh: PV

Bộ kaki Bác từng mặc lúc độc bản Tuyên ngôn Độc lập được mang từ vải của cửa hiệu Phúc Lợi số 48 Hàng Ngang hiện đang được bảo quản và trưng bày tại tầng 1 của ngôi nhà. Ảnh: PV

Hiện nay, toàn bộ khu vực tầng 1 của ngôi nhà đã được sắp xếp lại, sử dụng làm phòng trưng bày chuyên đề. Nội dung trưng bày: chủ đề 1 là ngôi nhà 48 Hàng Ngang và gia đình Nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô; chủ đề 2 là bối cảnh lịch sử và sự cần thiết ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập, chủ đề 3 ý nghĩa của bản Tuyên ngôn và hành trình bảo vệ nền độc lập. Khu vực tầng 2 của ngôi nhà vẫn được giữ nguyên theo bối cảnh cũ.

Không gian tầng 1 của nhà 48 Hàng Ngang hiện đang là không gian trưng bày theo chuyên đề. Ảnh: PV

Không gian tầng 1 của nhà 48 Hàng Ngang hiện đang là không gian trưng bày theo chuyên đề. Ảnh: PV

Căn nhà cũng trở thành một trong những di tích thu hút rất đông du khách tới tham quan, tìm hiểu. Đặc biệt, khi dịp Quốc khánh 2/9 sắp tới gần, nhiều đoàn khách cả trong và ngoài nước, ở nhiều độ tuổi, nhiều vùng miền trở về thăm quan và tìm hiểu tại di tích số 48 Hàng Ngang.

Nhiều tư liệu quý giá được lưu giữ tại nhà 48 Hàng Ngang. Ảnh: PV

Nhiều tư liệu quý giá được lưu giữ tại nhà 48 Hàng Ngang. Ảnh: PV

Nơi đây trở thành 'địa chỉ đỏ' để giáo dục tình yêu nước cho thế hệ trẻ. Ảnh: PV

Nơi đây trở thành 'địa chỉ đỏ' để giáo dục tình yêu nước cho thế hệ trẻ. Ảnh: PV

Tới thăm di tích số 48 Hàng Ngang, bạn Nguyễn Thị Thùy Nhung (22 tuổi, Hoàn Kiếm) bày tỏ niềm xúc động khi được tận mắt chứng kiến những kỷ vật lịch sử gắn liền với sự kiện trọng đại của đất nước.

Bạn Thùy Nhung chia sẻ: ‘Thông qua những kỷ vật, hình ảnh đang được trưng bày tại di tích đã giúp thế hệ trẻ chúng tôi phần nào hiểu rõ hơn về hoàn cảnh, điều kiện ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo 79 năm về trước. Hình ảnh thân thuộc, bình dị, ấm cúng ở nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc đã khơi gợi trong tôi cảm xúc đặc biệt không tìm được qua sách vở, báo đài.”

Di tích số 48 Hàng Ngang trở thành ‘địa chỉ đỏ’ giáo dục tinh thần yêu nước đối với thế hệ trẻ. Hiện nay, di tích đang mở cửa đón khách tham quan miễn phí tất cả các ngày trong tuần.

Không chỉ hăng hái tham gia Mặt trận Việt Minh, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô còn đóng vai trò tiên phong trong phong trào ủng hộ chính quyền non trẻ. Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa thành lập, ngân khố quốc gia gần như cạn kiệt, tổng ngân khố quốc gia chỉ còn hơn một triệu đồng tiền Đông Dương và phần lớn là tiền cũ, rách nát, không còn giá trị sử dụng.
Trước tình hình cấp bách ấy, vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô đã nhanh chóng hiến tặng gần như toàn bộ tài sản của mình cho Chính phủ trong Tuần lễ vàng, đóng góp đến 5.147 cây vàng. Bên cạnh đó, họ cũng là những nhân tố chủ chốt trong ban vận động Tuần lễ vàng, khuyến khích giới công thương và nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng.

>> Quảng trường sức chứa 200.000 người lớn nhất Việt Nam, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc những áng văn lập quốc vĩ đại, khai sinh ra Nhà nước công - nông đầu tiên của Đông Nam Á

Di tích được triều Nguyễn xây dựng từ thế kỷ XIX sẽ mở cửa miễn phí dịp nghỉ lễ Quốc khánh

Làng cổ 'hai vua' đầu tiên của Việt Nam được công nhận Di tích quốc gia, nằm tại thị xã duy nhất từng lên thành phố rồi lại xuống thị xã

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ben-trong-ngoi-nha-noi-bac-ho-khai-sinh-ra-ban-tuyen-ngon-doc-lap-la-biet-thu-cua-vo-chong-nha-tu-san-tung-hien-5000-luong-vang-cho-cach-mang-d131852.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Bên trong ngôi nhà nơi Bác Hồ khai sinh ra bản Tuyên ngôn Độc lập, là biệt thự của vợ chồng nhà tư sản từng hiến 5.000 lượng vàng cho cách mạng
POWERED BY ONECMS & INTECH