Sức khoẻ

Bệnh nhân tiểu đường nhất định phải có 5 thứ này dịp Tết

Quỳnh Châu 06/02/2024 - 20:58

Người bị bệnh tiểu đường nên lên kế hoạch trước để có nhiều niềm vui và ít phải lo lắng hơn.

Người bị tiểu đường luôn được bác sĩ khám bệnh tư vấn cẩn thận về chế độ ăn, uống, dùng thuốc và vận động cơ thể. Vì vậy, vào dịp Tết, bệnh nhân sẽ gặp phải khá nhiều rắc rối, nếu không cẩn thận, có thể làm cho bệnh tăng lên, thậm chí nguy hiểm hoặc phải cấp cứu gây phiền toái cho bản thân, gia đình và mất vui của ngày Tết.

Trước khi nghỉ Tết

Bệnh nhân nên tái khám bệnh để xác định lại chỉ số đường huyết, trên cơ sở đó bác sĩ sẽ có tư vấn kịp thời, đồng thời được chỉ định dùng thuốc cho hợp lý. Cần được chuẩn bị đủ các loại thuốc cho bệnh đái tháo đường.

Nên kiểm tra đường huyết trước khi nghỉ Tết

Nên kiểm tra đường huyết trước khi nghỉ Tết

Ngoài chuẩn bị đủ số lượng thuốc tiểu đường trong dịp Tết (khoảng hơn 2 tuần), người bệnh nên chuẩn bị thêm các loại thuốc của bệnh khác mà mình đang mắc cùng với tiểu đường (tăng huyết áp, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch, thiểu năng mạch vành, thoái hóa khớp…)

Việc dùng thuốc cũng không được tự động điều chỉnh liều lượng, nếu dùng liều thấp sẽ làm cho đường huyết tăng (nếu tăng cao sẽ có nguy cơ hôn mê do nhiễm độc ceton); ngược lại, nếu uống liều cao quá có thể làm cho đường máu giảm gây hiện tượng hạ đường huyết rất nguy hiểm, có thể gây tụt huyết áp, hôn mê.

Chế độ ăn, uống trong dịp Tết, người bị đái tháo đường cần hết sức lưu ý, bởi vì, ăn uống không kiêng khem sẽ làm cho đường huyết tăng lên, nhất là rượu bia, bánh, kẹo, trái cây có hàm lượng đường cao (cam, quýt, xoài, sầu riêng…) và các thực phẩm chế biến nhiều mỡ.

Theo thống kê, những năm gần đây, cứ sau dịp Tết cổ truyền, có nhiều người tiểu đường phải đến với các khoa nội tiết và đái tháo đường, bệnh viện cấp cứu hoặc khám vì bị tăng đường máu, đặc biệt có trường hợp ở trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, thậm chí có người bệnh bị tử vong do đến cấp cứu quá muộn. Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh tiểu đường không thực hiện đúng chế độ ăn và điều trị bệnh. Rất nhiều người trong số đó đã chủ quan, tự ý bỏ điều trị hoặc tự cho mình “tạm ngừng” điều trị hoặc uống thuốc không đều, ăn uống không kiêng khem đúng mức.

5 thứ bất ly thân của bệnh nhân tiểu đường

Thuốc

Người bệnh mang theo thuốc để uống đủ liều và đúng giờ. Nếu du xuân ở nơi có nhiệt độ nóng nên bảo quản insulin đúng cách, tránh ánh nắng trực tiếp, không đặt insulin trong ôtô nóng. Giữ insulin ở nhiệt độ mát bằng cách bảo quản trong tủ lạnh của khách sạn hoặc trong túi giữ lạnh, đừng để đóng băng. Người bệnh nên đặt báo thức giờ uống và tiêm thuốc đầy đủ.

Vận động nhẹ nhàng

Ngày Tết, người bệnh cũng vẫn nên duy trì thói quen đi bộ (ít nhất 30 phút), nếu không tập được thì có thể thay thế bằng các công việc chân tay, dọn dẹp trong nhà, tránh ngồi nhiều xem tivi, tiếp khách, ăn uống. Không nên tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi ngày Tết có cường độ cao vì người bệnh, đặc biệt bệnh nhân tiêm insulin có nguy cơ hạ đường huyết trong và sau khi tập luyện.

Thức ăn nhẹ

Một số món ăn truyền thống ngày Tết không thích hợp cho người bệnh tiểu đường. Vì thế, bệnh nhân cần bổ sung thêm đồ ăn nhẹ, lành mạnh

Một số món ăn truyền thống ngày Tết không thích hợp cho người bệnh tiểu đường. Vì thế, bệnh nhân cần bổ sung thêm đồ ăn nhẹ, lành mạnh

Dù ngày tết có nhiều món ăn nhưng người tiểu đường nên mang theo thức ăn nhẹ lành mạnh bổ sung trong trường hợp chậm bữa, tránh hạ đường huyết. Đồ ăn nhẹ lành mạnh là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị và kiểm soát đường huyết.

Thức ăn nhẹ lành mạnh cho người tiểu đường gồm trái cây có chỉ số đường huyết (GI) thấp; ngũ cốc; trứng luộc; sữa chua không béo, không đường; cà rốt; thịt gà; bắp; đậu; hạt...

Nước

Người tiểu đường cần bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể để tránh tăng đường huyết. Nên mang theo bình hoặc chai nước suối bên người, hạn chế đồ uống khác như trà, nước ngọt.

Máy đo đường huyết

Theo dõi lượng đường huyết giúp lên kế hoạch điều trị tiểu đường và kiểm soát bệnh hiệu quả. Với người tiểu đường điều trị bằng insulin, theo dõi đường huyết hàng ngày rất quan trọng để quyết định chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể chất và liều dùng insulin. Mang theo máy đo đường huyết và que thử khi đi chơi dài ngày để kiểm soát tốt bệnh.

Tùy từng tình trạng, người bệnh có thể được bác sĩ hướng dẫn mang theo que thử ketone (thường được chỉ định cho bệnh nhân tiểu đường type 1 nhằm phòng biến chứng hôn mê, nhiễm toan ceton), carbohydrate tác dụng nhanh và dài để tránh hạ đường huyết.

>> 5 sai lầm nghiêm trọng về bữa sáng, càng ăn càng khiến bệnh tiểu đường trở nặng

Cảnh báo 5 thói quen nhiều người mắc phải đang tàn phá gan và khiến đường huyết tăng vọt nghiêm trọng, không thay đổi thì ung thư, tiểu đường gõ cửa

Lý do ăn quả bơ ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/benh-nhan-tieu-duong-nhat-dinh-phai-co-5-thu-nay-dip-tet-d116073.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bệnh nhân tiểu đường nhất định phải có 5 thứ này dịp Tết
    POWERED BY ONECMS & INTECH