Làng Tiên Hòa thuộc xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) có lịch sử lâu đời. Nơi đây còn phát hiện được di chỉ khảo cổ Cồn Cổ Ngựa cách đây khoảng 6.000 năm.
Nằm nép mình bên tả ngạn bờ sông Mã, làng Tiên Hòa được biết đến với tên gọi cổ xưa như Kẻ Khao – Khao Rú. Nơi đây đã phát hiện được di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa nằm trong nền văn hóa Đa Bút cách đây 5.000 – 6.000 năm.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và thời gian, ngôi làng vẫn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc cũng như văn hóa truyền thống của vùng quê.
Theo các vị cao niên trong làng, khoảng giữa thế kỷ XVII, làng được tách thành 2 thôn. Một bộ phận dân cư tập trung xung quanh chân núi để tránh lụt lội về mùa mưa nên gọi là Tiên Hòa Sơn thôn (hay Khao Rú); số còn lại sống tại Tiên Hòa Bái thôn (còn gọi là Khao Đồng).
Ông Lưu Văn Tấn, Bí thư Đảng ủy xã Hà Lĩnh cho biết, năm 2013, tại Tiên Hòa các nhà khoa học phát hiện di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa nằm trong nền văn hóa Đa Bút cách ngày nay khoảng 5.000 – 6.000 năm.
Vị trí khai quật, là dải đất cao giữa thung lũng rộng, được bao bọc bởi núi đá vôi và đồi đất. Ngày nay, thung lũng ấy được người dân gọi là cánh đồng Bọc.
Theo các tài liệu được địa phương lưu giữ, di chỉ vừa là nơi cư trú, vừa là nơi mai táng của người Việt cổ.
Tại Cồn Cổ Ngựa, các nhà khảo cổ đã tìm thấy số lượng lớn rìu, đục bằng đá của người nguyên thủy. Bên cạnh đó còn có dao được chế tác từ đá phiến (hình trăng khuyết), chày nghiền, bàn nghiền, hòn kê, hòn ghè được đẽo gọt. Cũng tại di chỉ, còn có sự tồn tại của nhiều vỏ nhuyễn thể (vỏ hến, sò gai…).
Di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa được xem như bằng chứng sinh động về quá trình lan tỏa của cư dân nguyên thủy từ vùng núi xuống đồng bằng ven biển. Và chính cư dân Cồn Cổ Ngựa đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong đời sống xã hội nguyên thủy ở Thanh Hóa.
Đến nay, trong quá trình phát triển với nhiều biến động, làng Tiên Hòa được bao bọc xung quanh bởi núi, rừng và đồi đất.
Làng Tiên Hòa từ xa xưa đã lấy núi, đồi như “điểm tựa” để quần cư theo hình “vành lược” từ thấp lên cao với cấu trúc dân cư kiểu “ngõ hạng”. Các ngõ hạng lên cao theo bậc, tại đây có 12 ngõ hạng. Mỗi ngõ hạng bắt đầu bằng con đường độc đạo lên theo độ dốc của đồi, núi.
Trong đó, mỗi ngõ hạng có tên gọi riêng, từ đầu làng đến cuối làng, có thể kể đến: ngõ Mã, ngõ Cổng, ngõ Thượng, ngõ Cừu, ngõ Hát, ngõ Trung, ngõ Đình, ngõ Chùa, ngõ Trôi, ngõ Nghè… với hướng nhà “mở” ra bốn hướng đồi, nhìn xuống cánh đồng trước làng tạo nên nét đẹp riêng của làng quê xứ Thanh.
- Ngoạn cảnh ngôi làng cổ duy nhất còn sót lại của Phố Hiến: Sở hữu ngôi chùa có tam quan lớn nhất và hàng trăm di tích, báu vật quý hiếm
- Độc đáo làng cổ bên dòng sông chảy ngược, tiếng là 'làng trong phố' nhưng vẫn mang vẻ nguyên sơ, mộc mạc
- 'Đế chế' cẩm nang du lịch tiết lộ 3 điểm đến bí mật đầy thú vị ở Việt Nam