Bị nhấn chìm nhanh nhất thế giới, thành phố đông dân thứ 2 Đông Nam Á có thể biến mất trong 30 năm nữa

29-03-2024 11:45|Quỳnh Vân

Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu có thể đẩy thủ đô của Thái Lan chìm dần xuống nếu không có kế hoạch nào được thực hiện để ngăn chặn việc sụt lún.

Bangkok là thủ đô cũng đồng thời là thành phố lớn nhất Thái Lan với diện tích 1.569km2. Đây được xem là thành phố đông dân thứ 2 trong top 10 thành phố lớn nhất Đông Nam Á với dân số hơn 11 triệu người dựa trên số liệu điều tra dân số vào năm 2022.

Tuy nhiên, Bangkok lại là một trong số những thành phố bị nhấn chìm nhanh nhất thế giới. Cư dân của thành phố này đang phải đối mặt với mực nước biển ngày một dâng cao và lũ lụt cực đoan, đặc biệt là vào mùa mưa.

Theo báo cáo của Deltares, uớc tính 40% thành phố Bangkok sẽ chìm dưới nước vào năm 2030 nếu không có kế hoạch nào được thực hiện để ngăn chặn việc sụt lún.

Tình trạng của Bangkok

Cô Sopin (57 tuổi) là một người dân sống ở quận Bang Khun Thian, cách trung tâm Bangkok (Thái Lan) khoảng 30km.

Trong nhiều thập kỷ, người phụ nữ làm nghề nuôi trồng tôm đã chứng kiến hơn 64ha đất của gia đình biến mất dưới mực nước biển.

Dù nhà của cô nằm xa bờ biển hơn, thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu đã khiến nước tràn hẳn vào nhà.

Sopin chia sẻ: “Nhà tôi bị ngập 3 đến 4 tháng trong năm và đồ đạc của tôi cũng bị hư hỏng”. Chán nản vì lũ lụt nhưng không có đủ tiền để chuyển đi nơi khác nên mới đây, người phụ nữ này quyết định phá bỏ ngôi nhà của mình và xây một căn mới trên những cây cột cao 3m.

Bị nhấn chìm nhanh nhất thế giới, thành phố đông dân thứ 2 châu Á có thể biến mất trong 30 năm nữa
Sau nhiều đợt lũ lụt lặp đi lặp lại, Sopin Jindachom đã xây lại ngôi nhà của cô trên những cây cột cao 3m. Ảnh: ABC News

Xa hơn về phía Đông dọc theo Vịnh Bangkok, ở tỉnh lân cận Samut Prakan, một cộng đồng ven biển khác cũng đang dần biến mất.

Ngôi chùa Phật giáo ở làng Khun Samut Chin bị nước bao quanh và chỉ đứng vững nhờ các nhà sư trong chùa đã bố trí tường bao quanh chùa cách đây khoảng 20 năm.

Trụ trì Somnuek Atipanyo cho biết: “Nếu không có rào chắn, chúng tôi sẽ không thể xây dựng các ngôi chùa ở đây vì sóng sẽ cuốn trôi đất”.

Cách đây khoảng 40 năm, từng có một làng chài thịnh vượng bao quanh ngôi chùa này. Nhưng ngày nay, những gì còn sót lại của ngôi làng là những cột điện cũ nhô lên khỏi mặt nước.

Bị nhấn chìm nhanh nhất thế giới, thành phố đông dân thứ 2 châu Á có thể biến mất trong 30 năm nữa
Đây là những dấu tích duy nhất còn sót lại của làng chài từng bao quanh ngôi chùa. Ảnh: ABC News

Tại sao Bangkok lại chìm nhanh như vậy?

Theo ABC News, mực nước biển trung bình trên khắp thế giới đã dâng lên khoảng 23cm kể từ năm 1880 và tốc độ này đang tăng nhanh do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Các nhà khoa học về khí hậu cảnh báo mực nước biển có thể dâng cao gần 1m quanh Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vào cuối thế kỷ này.

Mặc dù mực nước biển dâng không đồng đều nhưng việc Bangkok có địa hình trũng khiến khu vực này rất dễ bị ảnh hưởng. Thành phố nằm ở độ cao chỉ 0,5 đến 1,5m so với mực nước biển nên có nguy cơ cao bị ngập lụt ở vùng đô thị và lưu vực sông.

Vào thời điểm thủy triều dâng cao sau một số đợt lũ lụt, con sông chính của thành phố là Chaopraya thường ghi nhận mực nước cao tới 3m so với mực nước biển. Vấn đề còn phức tạp hơn khi thủ đô Thái Lan đang bị lún từ 1 đến 2cm mỗi năm.

Bị nhấn chìm nhanh nhất thế giới, thành phố đông dân thứ 2 châu Á có thể biến mất trong 30 năm nữa
Dọc theo Vịnh Bangkok, các cộng đồng ven biển đang dần biến mất khi mực nước biển dâng cao. Ảnh: ABC News

Giáo sư Seree Supratid, kiêm Giám đốc Trung tâm Thảm họa và Biến đổi khí hậu tại Đại học Rangsit, giải thích rằng vì thành phố nằm trên nền đất mềm nên việc sụt lún đã là một vấn đề lớn trong nhiều năm.

Với lượng mưa ngày càng lớn và mực nước biển dâng cao, thủ đô Thái Lan và 14 triệu cư dân đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa cùng một lúc.

Giáo sư Seree lưu ý: “Chúng ta sẽ chìm dưới biển trong 30, 50 hoặc 100 năm tới nếu không có biện pháp đối phó. Điều này là không thể tránh khỏi".

Ảnh hưởng của việc phát triển nhanh chóng

Bangkok từng chìm với tốc độ nhanh hơn nhiều vào những năm 1970, khoảng 10cm mỗi năm, nhưng luật cấm sử dụng nước ngầm phần nào đã giúp giảm bớt tình trạng sụt lún.

Tuy nhiên, sự phát triển đô thị nhanh chóng đang thay đổi điều đó. ABC News cho hay, nhiều con kênh ở thủ đô Thái Lan - mệnh danh là "Venice của phương Đông" - đã bị san lấp để nhường chỗ cho mạng lưới đường sá. Điều này có nghĩa là lượng nước từ những trận mưa lớn không có chỗ nào để thoát ra.

Ngoài ra, những khu rừng ngập mặn dọc theo bờ biển cũng bị thay thế bởi các trang trại nuôi tôm.

Do đó, giáo sư Seree đã đề xuất một số biện pháp giảm thiểu như nâng cao các tuyến đường ven biển, khai hoang một số vùng đất ven biển để trồng đai rừng ngập mặn rộng và xây dựng hàng rào 100m xuyên qua Vịnh Bangkok.

Nhưng ông cho rằng rất khó tìm được những người sẵn sàng tài trợ cho các dự án xây dựng có thể mất tới 20 năm mới hoàn thành.

Bị nhấn chìm nhanh nhất thế giới, thành phố đông dân thứ 2 châu Á có thể biến mất trong 30 năm nữa
Bangkok từng được mệnh danh là "Venice của phương Đông" nhờ mạng lưới kênh rạch trải dài dẫn quanh thành phố. Ảnh: ABC News

Dù vậy, giáo sư vẫn khẳng định: “Chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ – suy nghĩ, nghiên cứu, đánh giá và sau đó cố gắng thu hút sự tham gia của nhiều bên liên quan càng nhiều càng tốt. Tôi muốn vấn đề này được coi là một cuộc khủng hoảng quốc gia”.

Trong khi đó, Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt tiết lộ chính quyền của ông đang giải quyết các vấn đề thoát nước ở thủ đô bằng một loạt đường hầm dưới lòng đất, nhưng chưa thể tự mình giải quyết vấn đề mực nước biển dâng cao.

Liệu có nên di dời?

Một cách mà các quốc gia khác ở những nơi khác đang ứng phó với mực nước biển dâng cao là di dời dân cư ven biển của họ lên vùng đất cao hơn.

Tại Fiji, có tới 42 ngôi làng được ấn định sẽ “di cư vì khí hậu” trong vòng 5 đến 10 năm tới, trong khi Indonesia dự định sẽ di dời thủ đô Jakarta đang chìm.

Tuy nhiên, giáo sư Seree cho rằng việc cứu Bangkok quan trọng hơn là di dời nó.

Ông nói: “Người dân không muốn di chuyển vì họ nói rằng Bangkok vẫn có thể tồn tại tiếp và có nhiều đền chùa cũng như cung điện của nhà vua nên chúng tôi phải bảo vệ nó”.

Bên cạnh đó, tại Vịnh Bangkok, người dân địa phương đang làm mọi thứ có thể để bảo vệ bờ biển và cuộc sống của họ.

Được biết một số đang hợp tác với một dự án nghiên cứu của trường đại học để trồng lại rừng ngập mặn, trong khi những người khác lên kế hoạch lắp đặt các rào chắn bằng bê tông và tre trên biển.

Đây mới chỉ là những biện pháp tạm thời có thể được thực hiện trong khi tất cả chờ đợi chính quyền thành phố có hành động quyết liệt hơn cho tương lai.

>> Thành phố giàu nhất Việt Nam vào top những thành phố đang chìm nhanh nhất thế giới

Chịu sức nặng tương đương 140 triệu con voi, thành phố giàu nhất thế giới đang chìm với tốc độ không tưởng

Bí ẩn ngôi chùa tí hon 700 năm tuổi nằm giữa con sông dài nhất Trung Quốc nhưng không hề bị các trận đại hồng thuỷ nhấn chìm

NASA: Nhiều thành phố lớn ở Mỹ đang chìm xuống

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bi-nhan-chim-nhanh-nhat-the-gioi-thanh-pho-dong-dan-thu-2-chau-a-co-the-bien-mat-trong-30-nam-nua-228252.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bị nhấn chìm nhanh nhất thế giới, thành phố đông dân thứ 2 Đông Nam Á có thể biến mất trong 30 năm nữa
POWERED BY ONECMS & INTECH