Biên giới nguội lạnh, nền kinh tế đóng băng: Làn sóng tẩy chay của người Canada khiến nhiều vùng nước Mỹ điêu đứng
Làn sóng tẩy chay hàng hóa và dịch vụ từ phía người tiêu dùng Canada đang giáng đòn nặng nề lên các thị trấn biên giới của bang Washington, Mỹ – nơi nền kinh tế địa phương phụ thuộc gần như hoàn toàn vào giao thương với người dân từ phương Bắc.
Cơn ác mộng "thiếu khách Canada"
Làn sóng tẩy chay từ Canada đang giáng đòn mạnh vào các thị trấn biên giới của Mỹ, trong đó thị trấn Point Roberts, Washington là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Việc người Canada ngừng qua lại khiến nền kinh tế địa phương gần như tê liệt.
Cô Ali Hayton, chủ cửa hàng tạp hóa lớn nhất thị trấn, cho biết doanh thu đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Để đối phó, cô buộc phải cắt giảm đơn hàng, giảm tỷ giá hối đoái tại cửa hàng nhằm thu hút khách nước ngoài quay trở lại. Tuy nhiên, Hayton lo ngại rằng các biện pháp này sẽ không đủ để giữ lại 17 nhân viên hiện có, khi mà tới 80% doanh thu trong những tháng cao điểm mùa hè đến từ du khách Canada.

Thị trấn Point Roberts, vốn chỉ có khoảng 1.300 cư dân, từ lâu phụ thuộc vào người dân bang British Columbia (Canada) – những người thường xuyên lái xe qua biên giới để mua sắm, ăn uống hoặc nhận hàng hóa đặt trực tuyến. Nhiều cư dân Canada chọn cách gửi hàng đến các cơ sở nhận hàng tại thị trấn Mỹ này vì chi phí và thời gian giao hàng thấp hơn so với gửi trực tiếp đến Canada. Nhờ đó, một số cơ sở giao nhận hàng hóa đã phát triển tại đây dù thị trấn nhỏ bé và biệt lập.
Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi. Một cửa hàng nhận hàng tại Point Roberts đã phải đóng cửa sau khi doanh số sụt giảm tới 75% trong tháng 3, so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là làn sóng phản đối ngày càng tăng của người tiêu dùng Canada trước các chính sách thương mại và phát ngôn gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Canada.
Nhiều cư dân tại các thị trấn biên giới phía Bắc cho biết tình hình hiện tại còn tồi tệ hơn giai đoạn đóng cửa biên giới vì đại dịch Covid-19. Khi đó, dù hoạt động kinh doanh bị đình trệ, các doanh nghiệp còn nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Lần này, không có gói cứu trợ nào được tung ra, trong khi người dân địa phương có thể dễ dàng chi tiêu ở những nơi khác.

Làn sóng đóng cửa lan rộng
Cô Tamra Hansen, một công dân mang hai quốc tịch Mỹ - Canada, hiện điều hành hai nhà hàng tại Point Roberts. Cô cho biết doanh nghiệp của mình đang gặp khó khăn nghiêm trọng, và không loại trừ khả năng phải đóng cửa nếu tình hình không sớm cải thiện. “Chúng tôi đang treo mình trên mép vực,” cô nói. “Chưa bao giờ tương lai kinh doanh lại mong manh đến thế".
Sự sụt giảm khách Canada tại Point Roberts thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với các cửa khẩu giao thương lớn nối Ontario với các bang Michigan và New York. Laurie Trautman, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Biên giới tại Đại học Western Washington, cho biết trong một email: “Du lịch tại Bờ Tây mang tính tự phát hơn rất nhiều. Vì lý do đó, khu vực của chúng tôi dễ bị tổn thương trước những ‘cú sốc biên giới’, như đã thấy trong đại dịch Covid-19, và hiện nay là căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Canada".

Tình hình kinh doanh ảm đạm đã bắt đầu ảnh hưởng tới hoạt động của chính quyền địa phương. Thị trưởng thị trấn Blaine, bà Mary Lou Steward, cho biết doanh thu thuế bán hàng – nguồn ngân sách chính để duy trì các dịch vụ công – đang giảm sút rõ rệt. Một số nhân viên thành phố đứng trước nguy cơ bị cho nghỉ việc, trong khi một thành viên hội đồng thành phố đã mất việc tại cửa hàng chuyển phát mà họ làm thêm.
Tâm lý giận dữ của người dân Canada đóng vai trò không nhỏ trong cuộc tẩy chay này. Phản ứng xuất phát từ những tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng nhiều lần tuyên bố Canada nên trở thành một bang của Mỹ và dọa dùng “sức mạnh kinh tế” để áp đặt ý định đó – nằm trong chiến dịch áp thuế toàn cầu mà ông theo đuổi. Hậu quả, một nhà máy ô tô lớn ở Ontario đã cắt giảm việc làm vào đầu tháng 5, làm dấy lên lo ngại về làn sóng mất việc lan rộng tại Canada.
Thủ hiến tỉnh British Columbia, ông David Eby, cũng lên tiếng ủng hộ phong trào tẩy chay. Trong một cuộc họp báo hồi tháng 3, ông kêu gọi người dân hủy các chuyến đi tới Mỹ, ưu tiên tiêu dùng nội địa và "thể hiện sự vắng mặt của mình để người Mỹ hiểu được mức độ phẫn nộ của chúng tôi". Tại đây, ông cũng công bố dự thảo luật cho phép tỉnh tính phí với các xe tải Mỹ đi qua Canada trên hành trình đến Alaska.
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi những yếu tố kinh tế khác góp phần làm xói mòn thêm động lực của người dân Canada. Hồi tháng 3, Thủ tướng Canada Mark Carney tuyên bố hủy bỏ thuế carbon tiêu dùng – động thái diễn ra ngay sau khi tiểu bang Washington tăng thuế nhiên liệu. Việc này đã khiến lợi thế về giá xăng vốn thu hút người lái xe Canada sang Mỹ biến mất, đồng thời cắt giảm đáng kể lưu lượng khách ghé qua các cửa hàng và trạm xăng ở các thị trấn biên giới.
Bà Naomi Savin, người phát ngôn của Thượng nghị sĩ Patty Murray, cho biết tình trạng sụt giảm tiêu dùng từ Canada đang gây tổn thất trực tiếp cho các thị trấn biên giới tại Washington. Tuy nhiên, theo bà, thiệt hại không chỉ dừng lại ở biên giới. Các biện pháp thuế quan trả đũa của Canada đối với hàng hóa Mỹ đang tạo ra hậu quả kinh tế rộng lớn hơn.
Với 40% lực lượng lao động gắn liền với thương mại quốc tế, Washington là một trong những bang có nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu. Là nhà cung cấp hàng đầu tại Mỹ về táo, việt quất, hoa bia, lê và anh đào ngọt, bang này đối mặt với nguy cơ mất các thị trường trọng điểm trong bối cảnh căng thẳng thương mại với các đối tác như Canada ngày càng gia tăng, bà Savin nhấn mạnh.
Ngay cả một số ít người Canada vẫn tiếp tục vượt biên để mua hàng tại Mỹ cũng đang bị ảnh hưởng. Tại Blaine, nhiều người vẫn ghé qua Edaleen để mua sữa hoặc chọn các sản phẩm Tillamook từ bang Oregon. Tuy nhiên, các biện pháp thuế quan của Canada đang khiến việc mua sắm này trở nên tốn kém hơn nhiều. “Tôi đã có khách hàng chi 200 USD cho hàng tạp hóa, nhưng khi đến cửa khẩu thì bị yêu cầu trả thêm 50 USD thuế,” Ali Hayton, chủ siêu thị tại Point Roberts, chia sẻ. “Họ quay trở lại và yêu cầu trả lại toàn bộ hàng hóa.”
Trong khi đó, nhiều cư dân Point Roberts cho biết họ cảm thấy bị các cấp chính quyền bang và quận bỏ rơi. Họ cho rằng trong suốt nhiều năm qua, khu vực này không nhận được sự đầu tư tương xứng từ các nhà lãnh đạo, bất chấp những khó khăn đặc thù của một thị trấn biệt lập về địa lý.
Trong bối cảnh Tổng thống Trump từng đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi về việc Canada nên trở thành một bang của Mỹ, một số cư dân ở Point Roberts lại nghĩ ngược lại. “Có không ít người nói, ‘Tại sao chúng ta không giao Point Roberts cho Canada?’” Hayton chia sẻ. “Tôi nghĩ phần lớn người dân ở đây cảm thấy chúng tôi đang bị bỏ rơi, tự loay hoay giữa khủng hoảng mà không ai quan tâm”.
Tham khảo BNN, The New York Times (NYT)
>> Lãnh đạo Canada khẳng định đất nước ‘không phải để bán” với ông Trump