Biệt phủ 3.500 tỷ của đại gia xây trên đất chiếm dụng bị buộc phá dỡ trong 45 ngày
Bên trong phần lớn trống rỗng, nhiều gian phòng chỉ được sử dụng để chứa củi, không mang dấu hiệu của cuộc sống thường nhật.
Dinh thự tráng lệ nằm tại TP. Sán Đầu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) từng khiến dư luận choáng ngợp vì sự xa hoa, nhưng nay lại đối diện với lệnh tháo dỡ do vi phạm nghiêm trọng về sử dụng đất và xây dựng.
Tọa lạc trên khu đất rộng hàng chục ha, một biệt phủ quy mô khổng lồ đã được gia tộc giàu có bí ẩn đầu tư xây dựng suốt nhiều năm qua tại TP. Sán Đầu.
Với tổng kinh phí ước tính lên tới 1 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 3.500 tỷ đồng), công trình này nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý không chỉ bởi vẻ ngoài hoành tráng, mà còn bởi sự im lặng kéo dài – suốt một thời gian dài vì khu dinh thự không hề có ai sinh sống.
> > Tỉnh là điểm cuối đường bờ biển Việt Nam dự kiến đưa đảo xa nhất trở thành đặc khu hành chính

Kết cấu khu biệt phủ được đánh giá là độc đáo, kết hợp nhiều phong cách kiến trúc. Ngoài khu nhà chính mang đậm nét đặc trưng vùng Quảng Đông, nơi đây còn có 4 tòa nhà xây theo kiểu "tứ hợp viện" truyền thống Trung Hoa, bảy biệt thự phong cách châu Âu cùng hệ thống hành lang cổ nối liền các công trình. Bên trong, nhiều chi tiết hoa văn được chạm khắc tinh xảo, thể hiện tay nghề đỉnh cao của đội ngũ nghệ nhân.
Tuy nhiên, vẻ hào nhoáng ấy không thể che giấu được sự thật rằng toàn bộ công trình đã được xây dựng trên phần đất công cộng mà không hề có giấy phép từ cơ quan chức năng. Ông Trần Anh Bưu – người được xác định là chủ nhân khu dinh thự – bị cáo buộc chiếm dụng trái phép hàng chục ha đất và xây dựng công trình mà không thông qua quy trình phê duyệt.
Chính quyền địa phương đã ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ toàn bộ biệt phủ trong vòng 45 ngày. Nếu quá thời hạn này mà không có động thái xử lý, lực lượng chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định pháp luật. Thông tin này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận trong và ngoài khu vực.

Trước khi chính quyền vào cuộc, không ít người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đã tìm đến đây quay video, chia sẻ những hình ảnh hiếm hoi bên trong khu dinh thự. Theo họ, bên trong phần lớn căn nhà trống rỗng, nhiều gian phòng chỉ được sử dụng để chứa củi, không mang dấu hiệu của cuộc sống thường nhật.
Thông tin về lệnh tháo dỡ làm dấy lên nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng. Nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương khi để một công trình đồ sộ tồn tại không phép trong thời gian dài. Một số khác bày tỏ sự tiếc nuối vì công trình được đầu tư bài bản, mang giá trị kiến trúc nhất định. Có ý kiến cho rằng, thay vì phá bỏ hoàn toàn, chính quyền nên cân nhắc việc cải tạo nơi đây thành địa điểm du lịch – vừa giữ lại giá trị văn hóa, vừa mang lại nguồn thu cho địa phương.