BNP Globbal lên phương án bán tài sản đảm bảo cho 1 trong 2 lô trái phiếu tại dự án Aqua City, và vẫn đang phải đàm phán với trái chủ.
CTCP BNP Global công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc/lãi trái phiếu cho 2 lô trái phiếu BNPCH2123001 và BNPCH2123002.
Trái chủ không đồng ý phương án thương thảo của BNP Global
Trong đó BNPCH2123001 phát hành ngày 7/6/2021 đáo hạn ngày 7/6/2023. Lô trái phiếu có trị giá 500 tỷ đồng. BNPCH2123002 phát hành ngày 4/10/2021 và đáo hạn vào 4/6/2023. Lô trái phiếu này có trị giá 2.100 tỷ đồng.
Lô trái phiếu 2.100 tỷ đồng không ghi rõ nội dung, mục đích phát hành. Còn lô trái phiếu 500 tỷ đồng phát hành nhằm để hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Thành phố Aqua để phát triển cụm dự án Aqua City. Số trái phiếu này phát hành thông qua Chứng Khoán Tân Việt. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 500 tỷ này là gần 58,73 triệu cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương. Số trái phiếu này cũng do bên tổ chức tín dụng ôm trọn.
Theo báo cáo, đến ngày đáo hạn BNP Global chưa thanh toán được cả gốc/lãi 2 lô trái phiếu này với tổng giá trị gần 2.700 tỷ đồng trong đó có 2.600 tỷ đồng tiền gốc và hơn 96 tỷ đồng tiền lãi.
BNP Global cho biết công ty đang thương thảo, đàm phán với trái chủ ngày thanh toán gốc/lãi trái phiếu.
Trong đó với lô trái phiếu 500 tỷ đồng, đang đàm phán về yêu cầu bán tài sản đảm bảo và đến nay chưa có kết quả. Lô trái phiếu này phát hành nhằm huy động vốn hợp tác kinh doanh cụm dự án Aqua City. Dự án Aqua City thuộc Novaland - dự án đang vướng quy hoạch và chờ cơ chế tháo gỡ.
Đối với lô trái phiếu 2.100 tỷ đồng, đàm phán với trái chủ về việc giãn lịch thanh toán gốc/lãi trái phiếu, tuy vậy các trái chủ không đồng ý. Các bên sẽ tiếp tục thương thảo.
BNP Global kinh doanh thua lỗ, nơ trái phiếu gấp 2,66 lần vốn chủ sở hữu
Về tình hình kinh doanh, BNP Global cũng đang kinh doanh bết bát. Năm 2021 và 2022 đều thua lỗ liên tiếp, trong đó năm 2021 lỗ 67 tỷ đồng và năm 2022 lỗ gần 21 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đến 31/12/2022 đạt 979 tỷ đồng.
BNP Global có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đến hết năm 2022 còn 979 tỷ đồng. Đặc biệt, tổng nợ phải trả của BNP Global gấp 2,66 lần vốn chủ sở hữu, lên 2.600 tỷ đồng – và tất cả trong số đó là nợ trái phiếu.
Đáng chú ý, BNP Global là một trong những doanh nghiệp do bà Võ Thị Kim Khoa, sinh năm 1982 đứng tên làm người đại diện. Loạt công ty do bà Kim Khoa đứng tên hiện cũng đang kinh doanh thua lỗ, nợ trái phiếu chồng chất.
Mới đây Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Ngọc Minh công bố thông tin định kỳ về tài chính năm 2022 trong đó cho biết tại thời điểm cuối năm 2022 vốn chủ sở hữu của Ngọc Minh còn 63,4 tỷ đồng. Nợ phải trả gấp 21,9 lần vốn chủ sở hữu, lên 1.390 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu gấp 11,8 lần vốn chủ sở hữu, lên 750 tỷ đồng. Công ty Ngọc Minh do bà Kim Khoa làm Chủ tịch HĐQT, sở hữu 99,98% vốn điều lệ.
Kỳ lạ một doanh nghiệp bất động sản có nợ trái phiếu gấp 11 lần vốn chủ sở hữu
Chuyên gia: Thị trường trái phiếu xanh Việt Nam vẫn còn sơ khai
Giá nhà ở phù hợp với thu nhập, thực hiện đồng bộ chính sách cải cách tiền lương