Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - vừa ký ban hành Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị.
Bà Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - vừa ký ban hành Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chỉ thị nêu rõ, những năm qua, việc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã tạo được chuyển biến tích cực; chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát được tăng cường.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác được Bộ Chính trị nhấn mạnh là tăng cường công tác quản lý Nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia.
Cùng đó là đẩy nhanh lộ trình cải cách chính sách thuế; nâng cao chất lượng công tác dự báo; lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước; đổi mới việc phân bổ, đẩy mạnh quản lý ngân sách Nhà nước theo kết quả đầu ra; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.
"Có phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém; các dự án ngừng triển khai theo kết luận của các cơ quan chức năng, sớm đưa các tài sản này vào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ", chỉ thị nêu rõ.
Theo Bộ Chính trị, cần tăng cường công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, nguồn lực quốc gia…; nêu cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý Nhà nước, người đứng đầu đối với việc gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản công.
Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm chủ trương, mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021 - 2026; tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm gắn với biên chế của khu vực công, tiết kiệm ngân sách Nhà nước chi cho bộ máy, con người cũng được Bộ Chính trị đề cập.
Bộ Chính trị lưu ý việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Bộ Chính trị cũng nêu rõ việc tăng cường dân chủ cơ sở, tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra Nhân dân và giám sát của cộng đồng dân cư ở cơ sở; kịp thời phát hiện, thông tin, phản ánh, ngăn chặn hành vi gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, sáng kiến; có biện pháp thiết thực bảo vệ người đấu tranh, tố giác hành vi gây lãng phí, thất thoát.
Ngoài ra là bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế, hương ước, quy ước của cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
>> Năm 2023 phải xử lý xong ít nhất từ 2 đến 3 ngân hàng và dự án yếu kém
Ngân hàng yếu kém bị phá sản, liệu người gửi tiền có mất trắng?
Không chỉ SCB, nhiều ngân hàng yếu kém, sai phạm từng nhận 'mưa giải thưởng'