Xã hội

Bộ Công an đề xuất hạ mức phạt vi phạm nồng độ cồn, áp dụng hình thức trừ điểm giấy phép lái xe

Hải Châu 02/10/2024 07:52

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông.

Những hành vi bị trừ hết 12 điểm sẽ phải thi lại bằng lái

Theo Bộ Công an, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều hành vi vi phạm nguy hiểm chưa được quy định đầy đủ trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Trong bối cảnh đó, Luật Trật tự ATGT đường bộ mới, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, yêu cầu phải ban hành Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, đồng thời áp dụng cơ chế trừ điểm và phục hồi điểm trên GPLX.

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông. Ảnh minh họa

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông. Ảnh minh họa

Dự thảo Nghị định mới, mang tên “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe”, bao gồm 4 chương và 51 điều khoản. Điểm nổi bật của dự thảo là quy định về trừ điểm trên GPLX khi vi phạm giao thông.

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (C08) - Bộ Công an, mỗi GPLX sẽ được cộng 12 điểm vào đầu năm. Nếu vi phạm và bị trừ hết 12 điểm trong năm, người lái xe sẽ phải thi lại để được cấp lại giấy phép. Nếu điểm số bị trừ không quá 12 trong năm, người lái sẽ được khôi phục toàn bộ điểm vào năm sau.

Dự thảo Nghị định nhấn mạnh rằng, việc trừ điểm trên GPLX không phải là một hình thức xử phạt hành chính, nghĩa là các hành vi bị trừ điểm sẽ không kèm theo hình phạt tước quyền sử dụng GPLX như trước đây.

Việc trừ điểm trên GPLX không phải là một hình thức xử phạt hành chính. Ảnh: Internet

Việc trừ điểm trên GPLX không phải là một hình thức xử phạt hành chính. Ảnh: Internet

Có đến 189 hành vi hoặc nhóm hành vi vi phạm sẽ bị trừ điểm GPLX theo dự thảo, trong đó có 28 hành vi bị trừ tối đa 12 điểm cho mỗi lần vi phạm. Những hành vi nghiêm trọng này bao gồm: lái xe khi nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép (trên 80 miligam/100 mililit máu hoặc trên 0,4 miligam/1 lít khí thở); điều khiển xe trong tình trạng có chất ma túy; chở quá tải trên 150% trọng lượng cho phép; đua xe trái phép; và chạy vượt quá tốc độ cho phép trên 35km/h.

Các hành vi này được coi là cố ý, nguy hiểm và có nguy cơ cao gây tai nạn nghiêm trọng, nên việc trừ điểm tối đa là cần thiết để tăng tính răn đe và đảm bảo an toàn giao thông.

Giảm mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn

Dự thảo Nghị định mới cũng đề xuất giảm mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm, đặc biệt là các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Cụ thể, nếu trước đây, người điều khiển ô tô với nồng độ cồn dưới 50 miligam/100 mililit máu hoặc dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở bị phạt từ 6-8 triệu đồng, thì nay mức phạt được đề xuất giảm xuống còn 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Đối với người lái xe máy, mức phạt giảm từ 2-3 triệu đồng xuống còn 400-600 nghìn đồng.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng việc điều chỉnh này là cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tuân thủ luật giao thông.

Dự thảo Nghị định mới cũng đề xuất giảm mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm, đặc biệt là các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Ảnh Sưu tầm

Dự thảo Nghị định mới cũng đề xuất giảm mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm, đặc biệt là các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Ảnh Sưu tầm

Thiếu tá Đinh Vạn Sơn, Phó Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 3 - Cục CSGT, cho biết hiện tại, việc xử lý vi phạm trên các tuyến cao tốc thường gặp khó khăn, vì phải lập ít nhất 2-3 biên bản cho mỗi trường hợp vi phạm, bao gồm biên bản vi phạm, biên bản giữ GPLX và biên bản tạm giữ phương tiện (nếu có). Áp dụng quy định trừ điểm trên GPLX có thể giúp giảm thiểu thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian cho cả lực lượng chức năng và người dân.

Đại diện Cục CSGT cũng cho biết, theo pháp luật hiện hành, các vi phạm nghiêm trọng về an toàn giao thông có thể dẫn đến việc tước quyền sử dụng GPLX từ 1 đến 24 tháng. Hàng năm, có hơn 500 nghìn trường hợp bị tước GPLX, nhưng hiện việc xử lý vẫn thủ công, dẫn đến tình trạng nhiều người không đến nhận lại giấy phép, gây tồn đọng.

Do đó, việc áp dụng quy định trừ điểm GPLX không chỉ tăng cường tính răn đe mà còn giúp nâng cao hiệu quả, văn minh trong quản lý vi phạm giao thông, đồng thời giảm gánh nặng hành chính cho cơ quan chức năng và người dân.

>> Giao Bộ Công an nhanh chóng hoàn thiện cơ sở, kiểm tra kiến thức người bị trừ hết điểm giấy phép lái xe

Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua hình thức nhận “chạy án”

Bộ Công an: Cần chế tài xử lý trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bo-cong-an-de-xuat-ha-muc-phat-vi-pham-nong-do-con-ap-dung-hinh-thuc-tru-diem-giay-phep-lai-xe-d134616.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Bộ Công an đề xuất hạ mức phạt vi phạm nồng độ cồn, áp dụng hình thức trừ điểm giấy phép lái xe
POWERED BY ONECMS & INTECH