Bộ GTVT phản hồi về dự án đường cao tốc 34.500 tỷ gây xói mòn đất của hộ dân

24-04-2024 19:16|Ngọc Trà

Việc xây dựng cầu vượt của tuyến cao tốc này gây xói mòn và bồi lấp 4.514,4m2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp của 12 hộ dân.

Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vừa ban hành Công văn số 4103/BGTVT-CQLXD trả lời kiến nghị cử tri về một số vấn đề liên quan tới dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Trước đó, trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: “Dự án làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi hoàn thành đã làm thay đổi dòng chảy của suối Ba Đơn (phường Quảng Phú), làm xói mòn và bồi lấp 4.514,4m2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp của 12 hộ dân. Tỉnh đã có công văn gửi Ban quản lý công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhưng chưa được xử lý, đề nghị có biện pháp chỉ đạo giải quyết cho người dân”.

cao tốc đà nẵng - quảng ngãi

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã hoàn thành vào năm 2018. Ảnh minh hoạ.

Sau khi nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi, Bộ GTVT (trực tiếp là Cục Quản lý đầu tư xây dựng) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư dự án) đã phối hợp cùng các bên liên quan tiến hành kiểm tra hiện trường vào ngày 5/4/2024 để xem xét, giải quyết.

Kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy, việc xây dựng cầu ORB28a đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không làm thay đổi dòng chảy của suối Ba Đơn, không phải là nguyên nhân chính làm xói mòn và bồi lấp một số thửa đất sản xuất nông nghiệp tại khu vực.

Đoạn tuyến cao tốc qua khu vực suối Ba Đơn được triển khai thi công từ tháng 11/2015, công trình cầu ORB28a được triển khai thi công từ tháng 2/2016 và hoàn thành vào tháng 8/2018. Sau khi hoàn thành cầu ORB28a, nhà thầu đã thanh thải đường công vụ phía hạ lưu theo đúng quy định.

Tuy nhiên, từ sau khi đưa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào khai thác đến nay, do ảnh hưởng của mưa lũ hàng năm làm thay đổi dòng chảy của suối Ba Đơn và gia tăng tình trạng xói mòn, bồi lấp đất sản xuất nông nghiệp hai bên suối so với thời điểm trước đây.

>> Thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam sẽ xây sân golf, khu du lịch sinh thái trên các mỏ than

Để hỗ trợ người dân địa phương có các thửa đất nông nghiệp tại khu vực suối Ba Đơn bị xói mòn, bồi lấp ổn định sản xuất, chủ đầu tư VEC đã thống nhất với kiến nghị của địa phương, thực hiện phương án giải quyết các kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi nêu trên như sau:

Một là, thanh thải, nạo vét, khơi thông dòng chảy suối Ba Đơn trong phạm vi dự án;

Hai là, phối hợp với các bên liên quan xem xét, bổ sung tường chắn rọ đá chống xói mòn tại bờ trái suối Ba Đơn (theo hướng dòng chảy) thuộc hạ lưu cầu ORB28a trong phạm vi dự án.

Bộ GTVT cho biết, sẽ đôn đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam thực hiện phương án nêu trên theo tiến độ đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chi phí đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Chiều dài toàn tuyến hơn 139km, được chia làm 2 giai đoạn và thông toàn tuyến vào ngày 2/9/2018.

Đây là tuyến cao tốc dính nhiều sai phạm nhất. Ngày 16/10, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (giai đoạn 2) với thiệt hại hơn 460 tỷ đồng. 22 bị cáo hầu tòa về các tội danh “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

>> Tỉnh miền Bắc 45 dân tộc sinh sống: 'Cứ điểm' của ngành công nghiệp mới mẻ tại Việt Nam với 3 ‘đại bàng’ ngoại đầu tư 18.000 tỷ đồng

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đón tin vui thông xe đúng dịp 30/4-1/5

Vùng đất Thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung làm tuyến đường hơn 1.500 tỷ dẫn vào 2 cao tốc trọng điểm của miền Bắc

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bo-gtvt-phan-hoi-ve-du-an-duong-cao-toc-34500-ty-gay-xoi-mon-dat-cua-ho-dan-d121284.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ GTVT phản hồi về dự án đường cao tốc 34.500 tỷ gây xói mòn đất của hộ dân
    POWERED BY ONECMS & INTECH