Bất động sản

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đề nghị quy mô vốn dự án quan trọng là 30.000 tỷ đồng

Việt Hoàng 07/11/2024 07:00

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021-2025, Quốc hội quyết nghị 10 dự án quan trọng quốc gia, trong đó 5 dự án trên 30.000 tỷ đồng.

Sáng ngày 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự luật Đầu tư công (sửa đổi). Đây là một trong những dự luật được Chính phủ đệ trình Quốc hội rất nhanh sau khi tổng kết kinh nghiệm triển khai luật thời gian qua và thực tiễn cũng đặt ra nhiều yêu cầu về sửa đổi một số vấn đề cốt lõi.

Đa số các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết ban hành luật. Thậm chí, đại biểu Nguyễn Văn Thân (tỉnh Thái Bình) còn đề nghị làm một Luật Đầu tư mới thay vì sửa đổi luật cũ. Về các vấn đề cụ thể, các ĐBQH tập trung thảo luận những quy định về quy mô dự án, phân cấp phân quyền, sự tham gia của địa phương với các dự án ở Trung ương và các địa phương khác.

Giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói trước hết cần thay đổi tư duy xây dựng pháp luật.

“Trước đây chúng ta chỉ tập trung vào quản lý, giờ phải vừa quản lý vừa kiến tạo cho phát triển. Đây là tư duy thay đổi rất lớn. Quy định của pháp luật phải tạo động lực, không gian mới, khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực để phát triển đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đề nghị quy mô vốn dự án quan trọng là 30.000 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng. Nguồn ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay là phải chuyển từ “tiền kiểm sang hậu kiểm, đẩy mạnh phân cấp phân quyền”.

>> Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nói gì về ngôi chùa hơn 800 tuổi tại Phú Thọ sau vụ cháy?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kể: “Ở Trung Quốc, một tỉnh họ làm được 2.000km cao tốc trong 3 năm. Khi hỏi lý do họ có thể làm được khối lượng lớn trong thời gian ngắn, giá rẻ, họ cho biết là phân cấp mạnh cho địa phương, dám vay và lập các công ty Nhà nước để làm các dự án hạ tầng giao thông. Sau khi đầu tư xong thì chuyển cho tư nhân khai thác và thu hồi vốn…”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nói, ở nhiều quốc gia phát triển, người ta công khai minh bạch tiêu chuẩn, tiêu chí, thủ tục… để dân và doanh nghiệp “cứ thế mà làm”, không cần phải “tiền kiểm” như ở ta. Chính vì vậy, những công trình, dự án được làm rất nhanh mà vẫn bảo đảm chất lượng.

Với Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói nếu tiếp tục làm theo tư duy cũ sẽ rất chậm, nên cần phân cấp mạnh hơn.

“Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư, đơn giản thủ tục hành chính, giảm xin cho, quyền anh, quyền tôi và đùn đẩy, né tránh”, ông nói. Ông cũng cho biết nội dung sửa luật lần này là vấn đề cốt lõi, vướng mắc trong thực tiễn cần điều chỉnh ngay.

Về nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, quy mô nền kinh tế hiện đã tăng 10 lần so với năm 2000, tăng 2,5 lần so với năm 2013, mức trượt giá bình quân từ 2020 đến nay là 3%/năm. Dự kiến vòng đời của luật khoảng 5-10 năm.

Vì vậy, nếu giữ quy mô vốn dự án quan trọng quốc gia là 20.000 tỷ đồng thì vài năm nữa sẽ không còn phù hợp. Ông đề nghị quy mô vốn dự án quan trọng là 30.000 tỷ đồng.

>> Liên danh Đèo Cả đề xuất lùi thời gian nộp đề xuất dự án PPP đường sắt Việt Lào hơn 27.000 tỷ

Thông tin thêm, Bộ trưởng cho hay: “Thực tế giai đoạn 2021-2025 Quốc hội quyết nghị 10 dự án quan trọng quốc gia, trong đó 5 dự án trên 30.000 tỷ đồng. Dự kiến 2026-2030 tới đây, sẽ có 30 dự án hơn 30.000 tỷ đồng. Việc xem xét, quyết nghị số lượng lớn dự án trong một nhiệm kỳ Quốc hội là nhiều. Nếu giảm quy mô xuống 20.000 tỷ đồng thì Quốc hội mất nhiều công trong xem xét, phê duyệt dự án quan trọng quốc gia. Đây cũng là đẩy mạnh tăng phân cấp, phân quyền để Quốc hội tập trung làm các quyết sách lớn của đất nước”.

Khẳng định việc phân cấp điều chỉnh chủ trương đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng không trái Hiến pháp, Bộ trưởng còn nói việc này đảm bảo tính linh hoạt vì việc điều chỉnh dự án diễn ra hàng ngày, hàng tháng, chứ không theo đợt.

“Chính phủ không thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét từng dự án, từng tỉnh. Dù mấy tuần Ủy ban Thường vụ họp 1 lần thì cũng khó. Còn chờ gom vào một lượt để trình lại lỡ việc của địa phương. Chuyện điều chỉnh phát sinh hàng ngày, hàng tháng nên phân cấp như dự thảo luật sẽ đảm bảo linh hoạt, phù hợp thực tế phát sinh”, ông giải thích.

Cũng có ý kiến không đồng tình phân cấp quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND sang UBND đối với dự án nhóm B và C, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói Điều 17 của luật đã cho phép trong trường hợp cần thiết HĐND có thể giao cho UBND.

“Thực tế đã có 43 tỉnh thực hiện. Vừa rồi Chính phủ lấy ý kiến 63 địa phương thì các tỉnh đều đồng ý”, Bộ trưởng nói.

Tuy vậy, ông Dũng nói nghiêm túc tiếp thu, cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng xem phân cấp cho UBND hay giữ nguyên hiện nay, sau đó báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Phương án có thể là tách và phân cấp theo nguồn ngân sách của tỉnh hoặc huyện.

>> Cao ốc 27 tầng nằm trên 'đất vàng' Hà Nội: Từng được kỳ vọng cung cấp hơn 24.000m2 văn phòng cho thuê nhưng đến nay vẫn 'đứng hình'

Tập đoàn Qatar muốn đầu tư công viên giải trí lớn nhất Việt Nam, quy mô vốn lên tới 3,2 tỷ USD

Đầu tư công tại TPHCM khi có bảng giá đất mới: Nhiều kỳ vọng, lắm nỗi lo

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bo-ke-hoach-va-dau-tu-de-nghi-quy-mo-von-du-an-quan-trong-la-30000-ty-dong-258520.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đề nghị quy mô vốn dự án quan trọng là 30.000 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH