Bộ TN&MT: Vướng mắc khi triển khai bảng giá đất mới do tổ chức chưa tốt, thiếu chủ động, thiếu linh hoạt
Bộ TN&MT cho rằng việc một số địa phương phản ánh có khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 liên quan đến bảng giá đất là xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, chưa chủ động, thiếu linh hoạt, bao gồm việc không thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Trong Báo cáo số 254/BC-BTNMT gửi các đại biểu Quốc hội về Tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ này đã nêu ra một số vấn đề nổi lên trong quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai, đáng chú ý là vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh bảng giá đất.
Cụ thể, trước những vướng mắc liên quan đến việc điều chỉnh bảng giá đất hiện hành theo quy định tại Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 với nội dung: "Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương".
Bộ TN&MT cho rằng khi tiến hành điều chỉnh bảng giá đất cần xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ. Ảnh: Internet |
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, đây được xem là quy định chuyển tiếp nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 để áp dụng từ ngày 1/1/2026, tránh "cú sốc" tăng giá đột biến trong bảng giá đất, gây ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của một số đối tượng người sử dụng đất.
>> HoREA kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ người dân chịu tác động của bảng giá đất mới
Bộ TN&MT nhấn mạnh, khi tiến hành điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ sẽ xảy ra trường hợp đất trong bảng giá đất sau khi điều chỉnh sẽ có chênh lệch lớn so với giá đất trong bảng giá đất hiện hành.
Đặc biệt đối với các địa phương trong suốt giai đoạn 2021-2024 không điều chỉnh hoặc không thường xuyên điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, nay khi thực hiện lại điều chỉnh với mức chênh lệch lớn khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng do số tiền người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai tăng cao so với khi áp dụng giá đất trong bảng giá đất trước khi điều chỉnh.
Việc điều chỉnh bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên được quy định xuyên suốt từ Luật Đất đai 2013 đến nay. Ảnh: Internet |
Theo Bộ TN&MT, việc điều chỉnh bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên được quy định xuyên suốt từ Luật Đất đai 2013 đến nay. Trên thực tế, đối với các địa phương có sự điều chỉnh Bảng giá đất theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013 sẽ đảm bảo giá đất trong bảng giá đất tiệm cận với mặt bằng giá đất thực tế tại địa phương thì việc áp dụng Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 không có vướng mắc, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Bộ TN&MT cũng cho rằng hành lang pháp lý để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất hiện hành đã được Luật Đất đai và Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 của Chính phủ quy định về giá đất quy định đầy đủ, chi tiết, đảm bảo để các địa phương thực hiện mà không có vướng mắc.
Bộ này cũng nêu ra một trong những khó khăn mà các địa phương phản ánh chính là việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật để lập dự toán xây dựng, điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất.
Nội dung này đã được quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 13257/BTC-HCSN ngày 22/11/2021 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP; Công văn số 9652/VPCP-KTTH ngày 18/11/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai thực hiện NGhị định số 32/2019/NĐ-CP, theo đó thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để lập dự toán xây dựng, điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất thuộc UBND cấp tỉnh.
Trước đó, ngày 14/10, Bộ TN&MT đã tổ chức làm việc với 21 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương để trao đổi, thảo luận, hướng dẫn, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định về định giá đất.
Trên cơ sở đó, Bộ đã có Thông báo số 599/TB-BTNMT ngày 15/10/2024 thông báo ý kiến kết luận tại cuộc họp, theo đó đã đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo việc sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để kịp thời áp dụng, triển khai thực hiện; chủ động các điều kiện cần thiết để tổ chức thi hành Luật Đất đai; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện để hạn chế những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Kết luận về những vướng mắc liên quan đến vấn đề điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, Bộ TN&MT khẳng định: "Việc một số địa phương phản ánh có khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai liên quan đến bảng giá đất là xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, chưa chủ động, thiếu linh hoạt, bao gồm việc không thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 trong giai đoạn trước đây, không phải do vướng mắc từ chính sách hoặc quy định của Luật Đất đai năm 2024 và văn bản hướng dẫn thi hành".
>> Bộ Xây dựng: Đề nghị xét lại năng lực vốn của nhà đầu tư muốn làm KCN ở Hải Dương