Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giảm thuế, hãm giá có thể dẫn tới thẩm lậu xăng dầu

08-06-2022 15:46|Uyển Nhi

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, giá xăng của Việt Nam tăng cao nhưng vẫn thấp hơn Lào 11.000 đồng/lít, thấp hơn Thái Lan và Campuchia 2.000 - 3.000 đồng/lít.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính sáng 8/6/2022, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt vấn đề giá xăng dầu liên tục lập đỉnh, Nhà nước có nên tiếp tục giảm thuế với mặt hàng này để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thực tế giá xăng dầu của Việt Nam tăng cao nhưng vẫn thấp hơn Lào 10.000 đồng/lít, Thái Lan, Campuchia khoảng 2.000 - 3.000 đồng/lít.

Việc có tiếp tục giảm thuế xăng dầu hay không thuộc thẩm quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Trước đó, Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường từ 1/4 đến hết năm nay, khiến ngân sách Nhà nước giảm thu 24.000 tỷ đồng.

Hiện, dư địa giảm thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng còn 2.000 đồng/lít. Tuy nhiên, theo quy định của luật, Thường vụ Quốc hội chỉ có thẩm quyền giảm thêm 1.000 đồng với loại thuế bảo vệ môi trường, còn nếu muốn giảm 2.000 đồng với loại thuế này lại thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Tương tự, các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế nhập khẩu xăng dầu 8%, thuế VAT 10%... cũng thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Bộ Tài chính: Đề xuất giảm 8% thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu

"Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động để tham mưu Chính phủ, trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giảm thêm thuế xăng dầu", ông Phớc nói.

Bộ trưởng cũng lưu ý các biện pháp giảm thuế, hạ nhiệt giá xăng dầu cần được thực hiện đồng bộ, đặc biệt là quản lý thị trường, siết chặt buôn lậu.

"Nếu giảm thuế để hạ giá xăng sẽ dẫn tới thẩm lậu xăng dầu", ông Phớc cảnh báo.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng giá xăng dầu không chỉ phụ thuộc vào thuế, mà còn phụ thuộc vào quan hệ cung – cầu. Hiện nay, nhu cầu xăng dầu của Việt Nam khoảng 21 triệu tấn/năm trong đó sản xuất trong nước được 11 triệu tấn, nhập khẩu 10 triệu tấn.

Nhà máy Bình Sơn công suất 100% tuy nhiên nhà máy Nghi Sơn trong thời gian gần đây sản lượng thấp, có giai đoạn ngừng sản xuất. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần đẩy mạnh sản xuất trong nước để ổn định nguồn cung. Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ làm việc với Bộ Công Thương về các thị trường cung ứng xăng dầu cho Việt Nam.

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chưa đồng ý với phần trả lời về giá xăng dầu. Đại biểu cho rằng, Việt Nam theo nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nên việc can thiệp quá sâu vào giá xăng dầu thì sẽ không vận hành theo giá thị trường.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá do Nhà nước giữ vai trò bình ổn.

Do vậy, đến một lúc nào đó Nhà nước phải can thiệp để giảm giá xăng dầu. Việc này có lợi ích giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy việc tăng trưởng và sức cạnh tranh, giải quyết được lao động, từ đó có tích lũy cho nền kinh tế.

"Chúng ta sẽ được thu thuế thông qua giá trị gia tăng của nền kinh tế và thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc giảm thuế ở mức nào, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan sẽ cần đánh giá tác động", ông Phớc nói.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết các vấn đề về thuế thuộc thẩm quyền Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì cũng cần cơ quan quản lý cần tham mưu, đề xuất.

"Cử tri cả nước đang rất chờ đợi phản ứng chính sách này, nên đề nghị Bộ Tài chính có đề xuất cụ thể để cấp có thẩm quyền quyết định", Chủ tịch Quốc hội nói.

Thị trường tài chính Hàn Quốc sau những bất ổn chính trị

'Nóng' sáp nhập các bộ; có nơi thưởng Tết gây choáng

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-giam-thue-ham-gia-co-the-dan-toi-tham-lau-xang-dau-129880.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giảm thuế, hãm giá có thể dẫn tới thẩm lậu xăng dầu
    POWERED BY ONECMS & INTECH