Bộ trưởng Công Thương nói việc 'phải rất thẳng thắn, chứ không thể nói cho hài lòng'
"Chúng ta xem trong hệ sinh thái của Samsung hay một số tập đoàn điện, điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc thì các doanh nghiệp của chúng ta tham gia được bao nhiêu trong phân khúc này?"- Bộ trưởng Công Thương nêu.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2024 của Cục Công nghiệp chiều 27/12, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong phát triển công nghiệp.
Đầu tiên, theo ông Nguyễn Hồng Diên, là sự phát triển còn thiếu cơ sở vững chắc. Mặc dù tăng trưởng nhưng chủ yếu là công nghiệp có tính gia công, giá trị thấp. Hay nói cách khác, chúng ta mới phát triển những ngành công nghiệp và những phân khúc có giá trị gia tăng thấp.
Hạn chế thứ hai, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị công nghiệp của cả nước. Đối chiếu sang lĩnh vực xuất khẩu sẽ thấy hơn 70% giá trị xuất khẩu là từ khu vực FDI. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp nội chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của các ngành.
Hạn chế thứ ba, công nghiệp nhìn chung chưa tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự dịch chuyển đầu tư từ các công ty đa quốc gia sang nước thứ ba và cũng chưa tận dụng tối đa được các hiệp định thương mại tự do.
“Bằng chứng là chúng ta chỉ có 24%, còn 76% là doanh nghiệp FDI, một số doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng nhìn chung còn ở khu vực thấp. Rõ ràng doanh nghiệp chưa tận dụng được Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chưa tận dụng được xu thế dịch chuyển, chưa thu hút được FDI”, Bộ trưởng nêu rõ.
Ông Diên chia sẻ: "Thu hút FDI không chỉ đơn giản tính bằng giá trị xuất khẩu mà phải tính bằng năng lực và nội lực của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng ra sao? Chúng ta xem trong hệ sinh thái của Samsung hay một số tập đoàn điện, điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc thì các doanh nghiệp của chúng ta tham gia được bao nhiêu trong phân khúc này?".
Ngoài ra, ngành công nghiệp còn rất gian nan mới có thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu bởi chưa đủ sức làm chủ cuộc chơi. Ông Diên cho rằng đây là điều phải nhìn lại khi chúng ta vẫn nói về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
"Đây là vấn đề phải rất thẳng thắn, chứ không thể nói cho hài lòng" - Bộ trưởng nhấn mạnh
Bên cạnh đó, công nghiệp vẫn thiếu những ngành công nghiệp có tính nền tảng, như: Công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, chế tạo chế biến, điện tử, hóa chất, năng lượng.
Lấy ví dụ về công nghiệp hoá chất, theo ông Diên, hóa chất cơ bản chúng ta chưa làm chủ được, hầu như phải nhập khẩu. Hay về công nghiệp vật liệu cũng tương tự. Giá trị xuất khẩu hơn 400 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay là hơn 800 tỷ USD, có thể đạt ngưỡng 800 tỷ USD nhưng xuất siêu chỉ đạt 23-24 tỷ USD.
"Điều đó chứng tỏ chúng ta đang ở một phân khúc rất mỏng. Dày hơn lại là phân khúc khác, đó là phân khúc vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo"- Bộ trưởng phân tích.