Bộ trưởng TT&TT: Đầu tư cho công nghệ nhiều hơn sẽ tạo được sức hút doanh nghiệp

29-03-2024 20:37|Hồ Giáp ,Diễm Phúc

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, muốn biến Bình Định thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đầu tiên chính quyền tỉnh phải ứng dụng KHCN, tự mình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trước.

Sáng 29/3, tại Trường ĐH Quy Nhơn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc và trò chuyện với tập thể lãnh đạo, giảng viên và sinh viên nhà trường cũng như đại diện công ty công nghệ. Đa số  ý kiến băn khoăn về việc tỉnh Bình Định cần làm gì để phát triển trở thành trung tâm khoa học đổi mới sáng tạo.

Bình Định muốn bứt phá thì cần khát vọng và ý chí mạnh mẽ của lãnh đạo

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, những quốc gia 'hoá rồng, hoá hổ' gần đây đa phần có điều kiện khó khăn, không có tài nguyên khoáng sản và thậm chí trải qua khủng hoảng lớn. Thế nhưng, khó khăn, khắc nghiệt lại tạo nên quốc gia phát triển.

“Tôi hay nói Việt Nam có "lợi thế" lớn nhất là nghèo. Vì nghèo nên khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Chúng ta đi qua chiến tranh là đau khổ nhưng cũng là một lợi thế. Đi qua đau khổ thì khát vọng vươn lên mới mạnh mẽ. Những dân tộc đi qua chiến tranh thì cũng có một giai đoạn dân số vàng. Đối với Bình Định và Trường ĐH Quy Nhơn, khát vọng là yếu tố số 1 và khát vọng đó thường phải gắn với lớp lãnh đạo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

z5296291435420 41db21195ff5df44ceb6e18a2234965c.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bình Định muốn bứt phá thì lãnh đạo phải có khát vọng và ý chí mạnh mẽ. Ảnh: Hồ Giáp

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi mở, Bình Định muốn bứt phá vươn lên thì đầu tiên vẫn là khát vọng và ý chí mạnh mẽ của lãnh đạo. Công nghệ số, công nghiệp bán dẫn là lõi của toàn bộ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cho nên Bình Định có thể chọn để phát triển.

“Quyết tâm xây dựng tỉnh thành trung tâm khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo là hướng đi rất đúng. Đừng ngại đi đầu, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, công nghệ cao”, Bộ trưởng khích lệ.

Tạo điều kiện cho cái mới phát triển

Tại buổi trò chuyện, TS. Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh - TMA Solutions cho hay: Trung tâm chuyển đổi số, trung tâm công nghệ 4.0 thường thành lập ở Hà Nội và một phần ở TP.HCM, trong khi chưa có ở miền Trung. Đối tác nước ngoài muốn làm việc thì chỉ biết đến Hà Nội và TP.HCM, trong khi lực lượng khoa học kỹ thuật của miền Trung rất mạnh.

TS. Nguyễn Hữu Lệ mong muốn thành lập thêm cơ sở thứ 3 ở miền Trung, cụ thể là Bình Định; doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác.

bo truong111 2.jpg
Lãnh đạo tỉnh Bình Định, cùng các giảng viên, sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn lắng nghe chia sẻ từ Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Hồ Giáp

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, người miền Trung rất đặc biệt, vừa học giỏi, ý chí quyết tâm cao, tinh thần vươn lên, chịu khó. Nói về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì nhân lực chất lượng cao rất quan trọng. Khi đề cập tới công nghệ mới, bao giờ người ta cũng chú ý đến chuyện ứng dụng. Khi ứng dụng công nghệ mới thì cũng dè chừng - nhất là những nơi to thường đắn đo vì có nhiều thứ để mất, như Hà Nội hay TP.HCM. Nhưng đối với các tỉnh không có nhiều thứ để mất thì đấy là cơ hội.

“Khi sẵn sàng tạo điều kiện cho cái mới phát triển, chính quyền đầu tư cho những ứng dụng công nghệ nhiều hơn sẽ tạo ra được sức hút với các doanh nghiệp công nghệ số, các chuyên gia. Khi họ đổ về thì tất nhiên sẽ trở thành trung tâm. Để Bình Định trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm đổi mới công nghệ, nhưng chính quyền địa phương không đổi mới cách làm thì rất khó có chuyển biến”, Bộ trưởng gợi mở.

Bộ trưởng lưu ý cần quan tâm tới chất lượng đào tạo đầu ra. Các công ty công nghệ đến đầu tư, làm những thử nghiệm tỉnh cho phép, họ sẽ chọn nhân lực tại chỗ.

“Trong câu chuyện muốn biến Bình Định thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đầu tiên chính quyền tỉnh phải ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên sử dụng các sản phẩm khoa học công nghệ và tự mình đổi mới sáng tạo trước, chuyển đổi số trước. Từ đó làm thành cú hích để cho toàn bộ tỉnh và lan ra các tỉnh xung quanh, tạo ra sự phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại buổi trò chuyện, sinh viên Khamtay kongmanh (sinh viên Lào; đang theo học tại Trường Đại học Quy Nhơn) đặt câu hỏi "Hiện tại, Bộ TT&TT có chương trình ký kết hợp tác lớn nào với nước Lào hay không?". Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Bộ TT&TT có nhiều chương trình hợp tác với Lào. Hai nước có kế hoạch trung hạn 3 năm, kế hoạch từng năm. Hiện nay, Bộ TT&TT có một quỹ của các doanh nghiệp trong ngành đóng góp để trao học bổng cho các sinh viên Lào sang Việt Nam học. Bộ TT&TT Việt Nam cũng trao tặng cho Bộ TT&TT Lào nhiều hệ thống. Một trong những hệ thống gần đây nhất, hiệu quả nhất là hệ thống trung tâm về giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Bên cạnh đó, còn có các chương trình về trao đổi phóng viên trong các ngành, lĩnh vực về báo chí, truyền thông; các chương trình hỗ trợ cho Lào về xây dựng chính sách cho các ngành thông tin, viễn thông… Hiện nay, Lào cũng đang học Việt Nam mô hình để thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Hồ Giáp - Diễm Phúc

Yêu cầu sớm đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng lõm sóng, lõm điện

Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị quan chức phụ trách thông tin ASEAN

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bo-truong-tt-tt-dau-tu-cho-cong-nghe-nhieu-hon-se-tao-duoc-suc-hut-doanh-nghiep-2264976.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ trưởng TT&TT: Đầu tư cho công nghệ nhiều hơn sẽ tạo được sức hút doanh nghiệp
    POWERED BY ONECMS & INTECH