Trong Hội nghị triển khai đề án "đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030”, Bộ Xây dựng đã điểm lại kết quả thực hiện chương trình này trong năm qua.
Hôm nay (ngày 22/2), Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030”. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, lãnh đạo đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương và đại diện các ngân hàng…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông tin, phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1,06 triệu căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin về kết quả thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội". So với mục tiêu đến năm 2025 của đề án xây một triệu căn nhà xã hội, Hà Nội mới phát triển 1.700 căn, đáp ứng 9% mục tiêu, TP. HCM đáp ứng 19% với gần 5.000 căn. Đây cũng là địa phương đăng ký hoàn thành nhà xã hội trong năm 2024 ở mức thấp, Hà Nội (gần 1.200 căn), TP. HCM (gần 3.800 căn).
Tại Hội nghị, Bộ trưởng cũng đã điểm tên những địa phương chưa quy hoạch bố trí quỹ đất nhà ở xã hội. Cụ thể bao gồm: Ninh Bình, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đồng Tháp...
Một chủ doanh nghiệp cho rằng, vấn đề vốn cho các dự án nhà ở xã hội rất nan giải. Gói 120.000 tỉ thực tế không đi vào cuộc sống. Trước ý kiến này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho rằng vấn đề giải ngân gói 120.000 tỷ vô cùng chậm và điều này "Thủ tướng thực sự không hài lòng".
Phó thủ tướng cũng cho rằng có thể chính sách đề ra chưa hợp với vấn đề kinh tế, phía ngân hàng cần rà soát, đánh giá lại, không thể duy ý chí. Cần xem lại chính sách "sai ở đâu đó, không nên đề ra những chính sách không đúng với thị trường".
Trao đổi về các vướng mắc trong tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, để thúc đẩy giải ngân gói 120.000 tỉ, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều hội nghị để thúc đẩy giải ngân gói tín dụng ưu đãi này.
Hiện có hai tiêu chí cho vay, thứ nhất là có ít dự án triển khai, thứ hai là về điều kiện tiếp cận tín dụng.
Theo báo cáo của các ngân hàng thì có một số doanh nghiệp vướng nợ xấu, chính nợ xấu đã ảnh hưởng đến giải ngân. Và để tháo gỡ vấn đề này, Thủ tướng đã yêu cầu các ngân hàng xem xét đáo nợ cho các dự án.
>> Bộ Xây dựng: Sẽ hoàn thành 130.000 căn nhà xã hội trong năm 2024