Bớt đi một phần gánh nặng cho Pacific Airlines
Sau giai đoạn khó khăn vì dịch COVID-19, Pacific Airlines đang dần thu hẹp khoảng cách thua lỗ. Năm 2023, dù vẫn lỗ trước thuế 1.392 tỷ đồng, con số này đã giảm so với khoản lỗ gần 2.100 tỷ của năm trước đó. Những dấu hiệu tích cực từ quá trình tái cơ cấu đang mở ra hy vọng hồi phục cho hãng bay này.
Cuối tháng 6/2024, Pacific Airlines chính thức tái khai thác các đường bay nội địa Việt Nam bằng đội máy bay Airbus A321. Đại diện hãng nhấn mạnh, việc khôi phục hoạt động là kết quả tích cực từ nỗ lực tái cơ cấu, với các giải pháp như tối ưu hóa nguồn lực đội bay, dịch vụ và hệ thống khai thác. Hãng kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng, hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững.
Pacific Airlines là công ty con của Vietnam Airlines |
Tái cơ cấu là chiến lược quan trọng của nhiều hãng hàng không, bao gồm Pacific Airlines, để vượt qua hậu quả kéo dài từ đại dịch COVID-19. Gần đây, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (30/11/2024), Quốc hội đã thông qua các biện pháp hỗ trợ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN) và công ty con Pacific Airlines.
Quốc hội cho phép Vietnam Airlines chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng. Đồng thời, Pacific Airlines được xóa các khoản phạt và tiền chậm nộp thuế phát sinh đến ngày 31/12/2024, với điều kiện hãng phải hoàn thành nộp nợ gốc trước thời hạn này.
Trước đó, hồi tháng 3, Pacific Airlines đạt thỏa thuận với đối tác cho thuê máy bay về việc xóa khoản nợ 220 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng), với điều kiện phải trả lại toàn bộ tàu bay. Để duy trì hoạt động, hãng đã thuê lại ba máy bay từ Vietnam Airlines theo hình thức thuê khô nhằm giữ giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC).
Dù vậy, Pacific Airlines vẫn đối mặt với những thách thức lớn. Theo Cục Hàng không Việt Nam, tháng 10/2024, hãng thực hiện 366 chuyến bay, thấp nhất trong số 6 hãng hàng không Việt Nam. Lũy kế 10 tháng, số chuyến bay của hãng chỉ đạt 4.080 chuyến.
Thành lập năm 1991, Pacific Airlines ban đầu thuộc quyền sở hữu của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam. Sau nhiều lần tái cơ cấu, đến năm 2007, 18% cổ phần của hãng được bán cho Tập đoàn Qantas (Australia) và đổi tên thành Jetstar Pacific, trở thành hãng bay giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Jetstar Pacific đối mặt với nhiều khó khăn, từ kinh doanh thua lỗ đến các vấn đề về thương hiệu và kỹ thuật. Đến năm 2012, SCIC chuyển toàn bộ vốn tại Jetstar Pacific về Vietnam Airlines. Trong 8 năm tiếp theo, Qantas nắm giữ 30% cổ phần trước khi tặng lại phần vốn này vào năm 2020, giúp Vietnam Airlines sở hữu 99% cổ phần Pacific Airlines.
Báo cáo năm 2023 của Vietnam Airlines cho biết, Pacific Airlines đạt tổng doanh thu 4.804 tỷ đồng nhưng lỗ trước thuế 1.392 tỷ, giảm so với khoản lỗ gần 2.100 tỷ đồng của trước. Với các động thái tái cơ cấu và chính sách từ Chính phủ, hãng bay đang hướng tới mục tiêu giảm dần thua lỗ và có lãi trở lại trong tương lai.
>> Điều gì đáng chú ý trong kế hoạch huy động 22.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines (HVN)?
Vietnam Airlines Group thuê thêm 4 máy bay phục vụ đợt cao điểm Tết Nguyên đán
Vinalines (VIMC) gặt quả ngọt sau 10 năm tái cấu trúc: Lãi gần 11.400 tỷ, hết lỗ lũy kế