BRICS ‘rạn nứt’: Một quốc gia quyết bám trụ với đồng bạc xanh, ‘nói không’ với phi USD hóa
Chính quyền của Thủ tướng Modi muốn tránh sử dụng đồng Nhân dân tệ và duy trì vị thế nổi bật của đồng USD trong các giao dịch thương mại.
Sự bất mãn của Ấn Độ với Trung Quốc đã được thể hiện rõ ràng tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) 2024. Điều này được minh chứng khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi quyết định không tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Kazakhstan, thay vào đó là Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar.
Tại sự kiện này, Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực thúc đẩy phi USD bằng cách kêu gọi sử dụng đồng nội tệ, đặc biệt là Nhân dân tệ, cho các giao dịch thương mại quốc tế thay vì đồng USD. Nga cũng bày tỏ ủng hộ lập trường của Trung Quốc.
Nga muốn các bên mua dầu thô của mình thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ Trung Quốc hoặc đồng rúp Nga. Cả hai quốc gia này đều đang cố gắng thuyết phục các thành viên SCO khác từ bỏ đồng bạc xanh để chuyển sang sử dụng đồng nội tệ.
Tuy nhiên, Ấn Độ không hài lòng với động thái này. Chính quyền của Thủ tướng Modi vẫn duy trì sử dụng đồng USD và không quan tâm đến việc áp dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cho các khoản thanh toán. Quyết định này có thể xuất phát từ mối lo ngại về kế hoạch phi USD hóa của Trung Quốc.
Trước đó, Ấn Độ đã tiết kiệm được 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối bằng cách thanh toán cho các giao dịch dầu mỏ với Nga bằng đồng Nhân dân tệ và rúp vào năm 2022.
Tuy nhiên, yêu cầu của Nga về việc thanh toán mọi lô hàng dầu thô bằng đồng Nhân dân tệ không được Ấn Độ chấp nhận. Điều này dẫn đến việc quốc gia châu Á bắt đầu giảm nhập khẩu dầu của Nga do một phần ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt và quay sang mua dầu của Mỹ, thanh toán bằng đồng USD. Theo Reuters, các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước như Indian Oil, Bharat Petroleum và nhà máy lọc dầu tư nhân Reliance Industries đã mua 7 triệu thùng dầu từ Mỹ chỉ trong tháng 3/2024.
Ấn Độ bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc đang sử dụng Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024 để thúc đẩy kế hoạch phi USD hóa và củng cố nền kinh tế nước này. Chính quyền của Thủ tướng Modi muốn tránh sử dụng đồng Nhân dân tệ và duy trì vị thế nổi bật của đồng USD trong các giao dịch thương mại.
Bước đi này của Ấn Độ không chỉ tiếp tục củng cố vị thế của đồng USD trong ngắn hạn, mà còn cho thấy quốc gia này đang thận trọng trước tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc.
Quyết định này cũng có thể ảnh hưởng đến các thành viên BRICS khác, tạo ra sự chia rẽ trong quan điểm của khối về định hướng chính sách tiền tệ trong tương lai.
Theo Cryptopolitan
BRICS sẽ sớm ra mắt hệ thống tài chính độc lập với phương Tây
'Thẳng thừng' từ chối từ năm 2023, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vẫn được BRICS kỳ vọng gia nhập