Trước khi tiến hành dừng máy để bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, BSR có công bố rộng rãi, đồng thời các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã lên kế hoạch để đảm bảo nguồn cung.
CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang chuẩn bị nhân lực và các vật tư thiết bị sẵn sàng cho đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Theo kế hoạch, BSR sẽ dừng máy trong 48 ngày, từ ngày 15/3 - 1/5 với mục tiêu đảm bảo an toàn, chất lượng tuyệt đối, rút ngắn thời gian thực hiện bảo dưỡng, tiết kiệm chi phí thực hiện.
Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, trong lần bảo dưỡng tổng thể này, khối lượng công việc dự kiến sẽ lớn hơn nhiều so với với các đợt bảo dưỡng tổng thể trước đây do có nhiều hạng mục công việc cải hoán, đấu nối quan trọng, quyết định hiệu quả, tính ổn định của nhà máy trong 4 năm tiếp theo.
BSR họp để chuẩn bị cho đợt bảo dưỡng tổng thể lần 5 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. (Nguồn: BSR) |
Cụ thể, số lượng đầu mục công việc cần thực hiện với hơn 546 thiết bị cơ khí tĩnh, 977 thiết bị đường ống, 67 thiết bị cơ khí, 275 thiết bị điện, 3.195 thiết bị tự động hoá và 67 dự án cải tiến (MOC) và 7 dự án nối tiếp (Tie-in).
Để hoàn thành khối lượng công việc lớn và phức tạp trong thời gian ngắn, BSR phân chia thành 10 gói công việc khác nhau; trong đó, BSR sẽ tự tổ chức thực hiện 4 gói công việc quan trọng, có tính chuyên môn sâu liên quan đến thiết bị điện, thiết bị quay, tự động hoá, tháo lắp van; thuê nhà thầu thực hiện 6 gói công việc liên quan đến thiết bị cơ khí tĩnh và đường ống. Ngoài ra, BSR cũng huy động hơn 135 chuyên gia bao gồm nhà sản xuất, nhà bản quyền và tư vấn thiết kế, kiểm tra và tư vấn độc lập, giám sát bảo dưỡng trong và ngoài nước tham gia thực hiện cùng với BSR.
Đến thời điểm này, BSR đã cơ bản hoàn thành lập sơ đồ tổ chức, kế hoạch tiến độ, mua sắm hàng hóa, điều động nhân sự, cấp phát vật tư phụ tùng, đào tạo nội bộ và đào tạo nhân sự nhà thầu, lắp dựng giàn giáo, phê duyệt giấy phép làm việc…
BSR đang chuẩn bị cho công tác bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. (Nguồn: BSR) |
Kế hoạch ngừng máy bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được BSR thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để có thể chủ động kế hoạch nhập khẩu sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước.
Theo đó, hai doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn nhất tại Việt Nam là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đều đã chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đầu tư xây dựng từ tháng 6/2005. Tháng 5/2008, PVN thành lập BSR để tiếp nhận, quản lý, vận hành nhà máy.
Nhà máy có công suất thiết kế 6,5 triệu tấn/năm với thiết kế ban đầu dùng nguyên liệu chính là dầu thô từ mỏ Bạch Hổ. Đến nay, sau 15 năm hoạt động, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chế biến được hơn 94 triệu tấn dầu thô, bán ra thị trường hơn 86 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 44.000 tỷ đồng và nộp ngân sách hơn 207.000 tỷ đồng. Hiện BSR có hơn 1.500 nhân sự có trình độ kỹ thuật cao.
Sắp tới đây, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được đầu tư 1,2 tỷ USD để mở rộng, nâng công suất chế biến của nhà máy từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày.
>> Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) thông tin về phương án trả cổ tức năm 2023-2024