Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của DN và khả năng trả nợ suy giảm sẽ lại là một yếu tố tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.
Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới phát hành, Chứng khoán VnDirect cho biết, ngành ngân hàng là ngành phụ thuộc nhiều vào những biến động kinh tế vĩ mô, và khi các chỉ báo vĩ mô trở nên lạc quan hơn cũng sẽ giúp cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng.
Tuy nhiên, theo VNDirect, khó khăn trong ngành bất động sản (BĐ)S và thị trường trái phiếu doang nghiệp (TPDN) hiện nay vẫn chưa được giải quyết, và điều này sẽ tác động trực tiếp lên chất lượng tài sản của ngân hàng khi rủi ro nợ xấu đang dần hiện hữu…
Đầu tiên, mặc dù không có "quy định/văn bản chính thức" nào liên quan đến việc thắt chặt dòng tín dụng vào thị trường BĐS, nhưng cho vay BĐS đã chậm lại với mục đích kìm hãm đà tăng nóng của thị trường này kể từ năm 2021.
Theo Thông tư 08/2020, tỷ lệ tối đa lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống 34% từ ngày 1/10/2022 trở đi; và giảm còn 30% từ ngày 1/10/2023. Do cho vay BĐS thường là các khoản vay trung và dài hạn, các ngân hàng sẽ không để dư nợ cho vay BĐS tăng lên quá mạnh trong danh mục tín dụng.
Do vay vốn từ ngân hàng đã trở nên khó khăn hơn, thị trường TPDN đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ kể từ 2020-2021 như một kênh dẫn vốn thay thế cho nguồn vốn từ ngân hàng đối với các doanh nghiệp BĐS. Cuối 2022, giá trị TPDN của BĐS chiếm 35% trong tổng giá trị TPDN được phát hành (theo HNX).
Tuy nhiên, kể từ quý 2/2022, Chính phủ đã bắt đầu giám sát chặt chẽ thị trường TPDN, đặc biệt là sửa đổi Nghị định 153. Tổng giá trị phát hành TPDN đã giảm rất mạnh 63% svck và con số này là 78% svck đối với TPDN BĐS.
Mặt khác, lãi suất cho vay đã tăng rất mạnh trước bối cảnh vĩ mô khó khăn, đặc biệt trong nửa cuối 2022. Cùng với giá nhà ở ở mức cao, nhu cầu mua nhà đã sụt giảm đáng kể và dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Nguồn cung căn hộ mới ở TPHCM và Hà Nội trong quý 4/2022 lần lượt sụt giảm 81%/38% svck, dẫn đến lượng tiêu thụ giảm mạnh 80%/63% svck (CBRE).
TPDN gặp khó khăn và doanh số ký bán suy yếu đã khiến cho các chủ đầu tư rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền một cách nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lên khả năng trả nợ và theo đó tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản cũng như là rủi ro tín dụng của các ngân hàng trong năm nay.
Nhắc lại, dù ngân hàng đã hạn chế cho vay BĐS, đây vẫn là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho ngành BĐS khi cho vay BĐS chiếm ~21% tín dụng hệ thống tính đến cuối 2022.
Bên cạnh vấn đề của thị trường BĐS, VNDirect cũng cho rằng, một vấn đề khác liên quan đến việc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Các DN Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao và việc này sẽ gây ảnh hưởng lên khả năng trả nợ của các DN.
Mặt khác, việc tiếp cận vốn của các DN đang gặp nhiều khó khăn, khi kênh tín dụng ngân hàng vẫn hạn chế trong khi thị trường TPDN gần như đã đóng băng.
Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của DN và khả năng trả nợ suy giảm sẽ lại là một yếu tố tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.
Nghị định 8/2023 mới ban hành được kỳ vọng sẽ giảm bớt một phần những khó khăn nói trên, khi điều luật cho phép các trái phiếu đã phát hành được đàm phán gia hạn thêm thời gian và nới lỏng một số điều kiện phát hành.
Nhóm phân tích tại VNDirect cho rằng, những chính sách này nếu được triển khai sẽ giúp giảm áp lực thanh khoản cho các DN BĐS trong ngắn hạn.
FiinRatings: Tín dụng và tỷ giá tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Chủ tịch MB Lưu Trung Thái: Cần có các giải pháp khơi thông dòng vốn trên thị trường TPDN