Indonesia - Meta và Alphabet – công ty mẹ Facebook và Google – được yêu cầu thực hiện các thỏa thuận thương mại với các hãng tin Indonesia để sử dụng nội dung của họ.
Ngày 20/2, Indonesia ban hành quy định mới liên quan đến lĩnh vực báo chí, xuất bản. Theo đó, các nền tảng kỹ thuật số được yêu cầu "hỗ trợ báo chí chất lượng" bằng cách tham gia thỏa thuận cấp phép, chia sẻ doanh thu, chia sẻ dữ liệu hoặc các giao dịch khác với các hãng tin địa phương. Tuy nhiên, quy định không nêu rõ thu nhập nên được phân phối như thế nào. Quy định có hiệu lực 6 tháng kể từ thời điểm ban hành.
Cuối ngày 20/2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết: “Chúng tôi muốn cung cấp một khuôn khổ chung rõ ràng cho sự hợp tác giữa các hãng tin và các nền tảng kỹ thuật số. Chúng tôi vẫn phải lường trước những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là trong giai đoạn triển khai, về phản ứng từ các nền tảng kỹ thuật số và cộng đồng sử dụng các dịch vụ này".
Ông nói thêm: “Tinh thần của quy định là nhằm bảo đảm hợp tác công bằng giữa các nền tảng truyền thông và kỹ thuật số”. Tổng thống cũng tiết lộ quá trình soạn thảo quy định – đề xuất cách đây 3 năm – rất dài do bất đồng quan điểm giữa các bên liên quan.
Một ủy ban sẽ được thành lập để đảm bảo các nền tảng kỹ thuật số hoàn thành trách nhiệm của họ đối với các công ty truyền thông. Nó không gây tổn hại đến các nhà sáng tạo nội dung vì chỉ áp dụng với các nền tảng kỹ thuật số.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia, Budi Arie Setiadi, cho biết quy định này là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm đảm bảo các công ty truyền thông "không bị xói mòn" bởi các nền tảng kỹ thuật số.
>> Đằng sau lĩnh vực kiếm tỷ USD của các băng nhóm mã độc tống tiền
Như vậy, Indonesia đã tham gia cùng Australia và Canada trong việc thúc đẩy các nền tảng kỹ thuật số trả tiền cho tin tức. Tại Australia, quy tắc thương lượng truyền thông tin tức có hiệu lực từ tháng 3/2021. Từ đó, các hãng công nghệ đã ký thỏa thuận với các hãng tin để trả tiền cho nội dung, theo Bộ Tài chính.
Google cảnh báo quy định của Indonesia có thể làm tổn thương các nhà xuất bản và người sáng tạo quy mô nhỏ, cũng như "gây nguy hiểm cho tương lai của truyền thông tin tức ở Indonesia", Google Indonesia viết trên blog tháng 7/2023.
Người phát ngôn Google cho biết sẽ xem xét quy định mới, đồng thời khẳng định đã làm việc với các nhà xuất bản tin tức và chính phủ để xây dựng hệ sinh thái tin tức bền vững tại Indonesia. Facebook chưa phản hồi bình luận của Reuters.
Dù quy định đại diện cho bước ngoặt lớn đối với bức tranh truyền thông Indonesia, việc thực hiện và phản ứng từ các hãng công nghệ lớn vẫn còn phải xem xét. Các nhà phê bình cho rằng thành công của nó phụ thuộc phần lớn vào thiện chí của các bên tham gia vào đàm phán. Ngoài ra, còn có câu hỏi về tác động của quy định đối với người dùng cuối như bị hạn chế truy cập tin tức hay chi phí sử dụng dịch vụ kỹ thuật số cao hơn.
Tuy nhiên, những người ủng hộ lại tin tưởng quy định báo trước kỷ nguyên mới của tiêu thụ tin tức kỹ thuật số, nơi báo chí chất lượng được tài trợ bền vững và các nhà xuất bản được trao quyền để điều tra chuyên sâu hơn. Dù thế nào đi nữa, bước tiến táo bạo của Indonesia diễn ra vào thời điểm quan trọng trong các cuộc thảo luận về tương lai của báo chí trong thời đại số, nhấn mạnh cần thiết có sự phân phối doanh thu công bằng hơn. Điều này không chỉ bảo đảm nguồn thu cho các nhà xuất bản mà còn bảo vệ sự đa dạng và toàn vẹn của tin tức trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
(Theo Bloomberg, Reuters, BNN Breaking)
>> Phân công mới công việc giữa Bộ trưởng và 5 thứ trưởng Bộ TT&TT
Facebook gặp lỗi xuất hiện chuỗi ký tự lạ
Meta chi 10 tỷ USD xây dựng ‘đường cao tốc’ Internet dưới biển dài nhất thế giới