Buồn của Elon Musk: CEO ôm đồm chính trị khiến cổ phiếu Tesla 'bốc hơi' nửa giá trị, hơn 20% doanh thu từ Trung Quốc có thể 'bay màu
Giống như nhiều nhà sản xuất Mỹ khác, Tesla đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump khơi mào. Nhưng không giống phần lớn các công ty khác, Tesla lại có thêm một yếu tố nhạy cảm: CEO Elon Musk, người được mệnh danh là "First Buddy" nhờ mối quan hệ thân thiết với ông Trump.
Ngày 22/4, Tesla sẽ công bố báo cáo tài chính và Elon Musk sẽ trả lời các câu hỏi từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, Musk đang đối mặt với một nghịch lý khó xử: nếu tiếp tục công khai ủng hộ ông Trump, Tesla có thể mất lòng nhiều khách hàng trong và ngoài nước, những người không đồng tình với các chính sách của ông Trump.

Ngược lại, nếu Musk tỏ ý rời xa Nhà Trắng, ông có thể khiến chính quyền Mỹ phật lòng. Một tình huống “tiến thoái lưỡng nan” do chính ông tạo ra.
Trong quý I, Tesla ghi nhận mức sụt giảm doanh số lớn nhất từ trước đến nay, sau nhiều quý tăng trưởng hai chữ số liên tục. Tuy nhiên, ngoài các con số tài chính, giới đầu tư còn quan tâm đến nhiều vấn đề khác.

Các nhà đầu tư muốn biết Tesla đang chịu tác động tài chính ra sao từ mức thuế 25% mà chính quyền Trump áp lên ô tô nhập khẩu, và quan điểm thực sự của Musk về chính sách này.
Một câu hỏi lớn là khi nào Musk sẽ rút khỏi vai trò trong Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) để quay lại tập trung toàn thời gian cho Tesla, nơi đang tồn đọng nhiều vấn đề: xe tự lái, đội xe Robotaxi, mẫu xe giá rẻ mới, và cả kế hoạch bán robot hình người.
Câu trả lời trấn an về bất kỳ chủ đề nào trong số này đều có thể giúp khôi phục niềm tin của thị trường, đặc biệt khi giá cổ phiếu Tesla đã bốc hơi gần 50% kể từ giữa tháng 12.
Dan Ives, chuyên gia phân tích kỳ cựu tại Wedbush Securities và người từng rất lạc quan về Tesla, đã phải hạ mạnh mức giá mục tiêu cổ phiếu. Ông mô tả tình hình hiện tại là “báo động đỏ” nếu Musk vẫn tiếp tục đóng vai trò nổi bật trong chính quyền Trump.
“Thiệt hại thương hiệu là nguyên nhân chính khiến doanh số sụt giảm”, Ives nhận định. “Musk cần rút khỏi chính phủ, rời DOGE và trở lại vai trò CEO Tesla toàn thời gian.”
Tesla gặp khó tại Trung Quốc, cạnh tranh gia tăng
Không chỉ đối mặt với áp lực chính trị, Tesla còn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng xe điện khác, đặc biệt là tại Trung Quốc. Các tin xấu ở bất kỳ mặt trận nào cũng có thể khiến cổ phiếu tiếp tục lao dốc.
“Đây đang trở thành một cơn ác mộng cho cả Tesla lẫn nhà đầu tư,” Ives nói với CNN. “Thuế quan, tranh cãi DOGE, thiệt hại thương hiệu – tất cả hợp thành một cơn bão hoàn hảo”.

Xét về mức độ ảnh hưởng, Tesla vẫn ít chịu tác động hơn so với các hãng xe khác vì hãng không nhập khẩu xe từ nhà máy nước ngoài, và tỷ lệ linh kiện ngoại nhập cũng thấp hơn.
Tuy nhiên, Tesla đã phải ngừng nhận đơn đặt hàng tại Trung Quốc đối với các mẫu xe Model S và Model X sản xuất tại Mỹ do bị áp thuế trả đũa tới 125%, dù hai mẫu này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong doanh số toàn cầu.
Musk thừa nhận mức độ ảnh hưởng là “không nhỏ”. Trên nền tảng mạng xã hội X, ông viết: “Cần lưu ý rằng Tesla KHÔNG miễn nhiễm với chính sách này. Tác động từ thuế quan vẫn rất đáng kể”.
Nhưng nếu công khai chỉ trích thuế quan quá mạnh trong buổi họp sắp tới, Musk có thể làm rạn nứt quan hệ với ông Trump.
Sau khi ông Trump đắc cử, cổ phiếu Tesla đã tăng gần gấp đôi nhờ kỳ vọng rằng Musk có thể ảnh hưởng đến chính sách liên bang theo hướng có lợi cho Tesla, đặc biệt về xe tự lái.
Ngược lại, nếu ủng hộ công khai thuế quan, Musk sẽ khiến Trung Quốc và người tiêu dùng tại đây phản ứng mạnh. Trung Quốc hiện là thị trường ô tô lớn nhất thế giới và chiếm hơn 20% doanh thu Tesla năm 2024, chỉ sau Mỹ.
“Trung Quốc chính là chìa khóa cho tương lai của Tesla”, Ives nói. “Phản ứng từ Bắc Kinh và người tiêu dùng Trung Quốc trước mối liên hệ giữa Musk và Trump không thể xem nhẹ”.
Elon Musk sẽ rời khỏi DOGE?
Tình trạng biểu tình trước các showroom Tesla, cũng như một số vụ phá hoại cơ sở vật chất cho thấy mức độ phản ứng tiêu cực với cả công ty và CEO.
Tháng trước, sau buổi họp nội bộ do Musk chủ trì, cổ phiếu Tesla bật tăng trong một tuần, nhưng đà tăng không kéo dài. Ngày 2/4, khi Tesla công bố mức sụt giảm doanh số theo năm lớn nhất từ trước đến nay, cổ phiếu giảm mạnh. Tuy nhiên, cổ phiếu sau đó hồi phục nhẹ khi Politico đưa tin Musk sẽ rút khỏi vai trò chính phủ – dù thông tin này sau đó bị phủ nhận.
“Báo cáo quý I khiến chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi còn đánh giá thấp mức độ phản ứng của người tiêu dùng,” chuyên gia Ryan Brinkman của JPMorgan Chase nhận định.
Tesla hiện chưa phản hồi các yêu cầu bình luận về kết quả kinh doanh và ảnh hưởng từ vai trò chính trị của Musk.
Musk từng tuyên bố sẽ biến Tesla thành công ty giá trị nhất thế giới với đội xe taxi tự lái và robot hình người. Ông từng quảng bá mạnh dịch vụ gọi xe tự hành tại Austin (Texas), dự kiến khởi động vào tháng 6, nhưng đến nay vẫn không có cập nhật nào.
Trong khi đó, Uber và Waymo của Google đã đi trước một bước khi bắt đầu dịch vụ taxi không người lái tại chính thành phố này.
“Nếu Musk tiếp tục trì hoãn kế hoạch Robotaxi, đó sẽ là cú đòn mạnh với cổ phiếu”, Ives nhận xét. “Chúng tôi cần nghe tin tích cực ở mảng này, vì sẽ chẳng có tin tốt nào từ kết quả tài chính năm nay cả”.
Theo CNN
SpaceX của Elon Musk ‘chen chân’ vào quốc phòng, trúng thầu siêu dự án hàng trăm tỷ USD?
Ông Putin khen ngợi hoài bão và tham vọng của tỷ phú Elon Musk