Các CTCK chi gần 480.000 tỷ đồng đầu tư tự doanh và cho vay margin trong quý III/2024
Dòng tiền đầu tư tại các công ty chứng khoán tiếp tục dịch chuyển mạnh trong quý III/2024. Hoạt động tự doanh và cho vay margin nổi lên như các nguồn lợi nhuận chính, đặc biệt tại những công ty đầu ngành.
Cuối tháng 6/2024, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán đạt gần 218.900 tỷ đồng, mức dư nợ margin cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau đó, thống kê dư nợ margin trên 70 công ty chứng khoán đã đạt hơn 235.000 tỷ đồng, tiếp tục thiết lập kỷ lục mới.
Margin là mảng kinh doanh quan trọng ở hầu hết các công ty chứng khoán, đặc biệt là nhóm dẫn đầu nhờ sở hữu thị phần cao và tệp khách hàng đa dạng. Ở một số công ty, biên lợi nhuận hoạt động cho vay đạt mức cao từ 70-95%, đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh chung.
Thông qua các kênh huy động vốn, các công ty chứng khoán tiếp tục dồn lực cho mảng tiềm năng này. Mặt khác, hoạt động tự doanh cũng được tiếp thêm "doping" trong quý III/2024.
Dư nợ cho vay margin tiếp tục đạt đỉnh trong quý III/2024 |
Tính đến cuối tháng 9, tổng giá trị tài sản tự doanh của 77 công ty chứng khoán đạt khoảng 242.400 tỷ đồng - tăng 10% so với cuối năm 2023. SSI dẫn đầu với hơn 41.000 tỷ đồng, bỏ xa VNDirect (29.000 tỷ đồng), TCBS (15.500 tỷ đồng) và các công ty bám đuổi.
Top 10 công ty chứng khoán có danh mục tự doanh lớn nhất chiếm tới 63% tổng giá trị đầu tư tự doanh toàn ngành. Các công ty như VNDirect, SSI, và HSC tiếp tục mở rộng đầu tư vào tài sản FVTPL, trong khi VPS, ACBS và MBS tập trung vào các khoản đầu tư nắm giữ đến đáo hạn (HTM). Ngược lại, TCBS chủ yếu phân bổ vào tài sản sẵn sàng để bán (AFS).
Tỷ trọng FVTPL có xu hướng tăng trong quý III, đặc biệt ở các công ty như VNDirect và HSC, giúp tăng giá trị tài sản tự doanh lên đáng kể.
>> VNDirect trích lập dự phòng nhiều khoản nợ xấu với nhóm Trung Nam
Về kết quả kinh doanh quý III/2024, TCBS, "ông vua" môi giới trái phiếu, tiếp tục dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế trên 1.000 tỷ đồng. Đứng thứ hai là SSI với 937 tỷ đồng, trong khi VPS – vua môi giới cổ phiếu – đạt lãi 820 tỷ đồng, tăng 147% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng lợi nhuận của VPS chỉ đứng sau LPBS, đơn vị ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 273%.
Tổng cộng có 11 công ty chứng khoán báo lãi trước thuế trên 100 tỷ đồng, gồm FTS, KIS, VCBS, VCI, ACBS và HSC.
Trong nhóm quen thuộc, SHS là công ty giảm mạnh nhất với lợi nhuận quý III sụt giảm 70%, còn 74 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, SHS vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận gần gấp đôi, đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng, SSI ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 2.900 tỷ đồng, đứng thứ hai sau TCBS, với mức chênh lệch gần 1.000 tỷ đồng. VPS đạt 2.100 tỷ đồng, trong khi HSC vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng.
Dù lợi nhuận quý III có sự phân hóa, đa số các công ty chứng khoán hàng đầu đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong 9 tháng như: HSC tăng 64%, ACBS tăng 68%, TCBS tăng 80%, Vietcap và SHS tăng 100%, VPS tăng 257%, LPBS tăng 334%. Chứng khoán Asean dẫn đầu toàn ngành với mức tăng 783%, đạt 53 tỷ đồng.
Áp lực nợ ngắn hạn 21.700 tỷ đồng: Ngân hàng nào là chủ nợ lớn nhất của VNDirect (VND)?
Cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2024: TCB, VND, DGC, BMP, HPG, LPB, FPT, POW, HAG...