Bất động sản

Cách Hồ Gươm 40km, đất đấu giá huyện Phúc Thọ cao nhất 60 triệu đồng/m2

Thanh Sơn 29/08/2024 13:30

39 lô đất tại xã Trạch Mỹ Lộc và xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) đã "lên sàn" với mức giá cao nhất 60 triệu đồng/m2.

Lô trúng cao nhất 60 triệu đồng/m2

Sau 9 ngày đất đấu giá tại huyện Hoài Đức lên đến 133 triệu/m2, sáng ngày 29/8, huyện Phúc Thọ (TP. Hà Nội) cũng đã tổ chức phiên đấu giá thành công 39 lô đất với mức giá cao nhất 60 triệu đồng/m2.

Đáng nói, các lô đất này cách quận Hoàn Kiếm chỉ khoảng 40km. Các lô đất được đưa "lên sàn" đấu giá có tổng diện tích 4.600m2, tổng giá trị khởi điểm là 107 tỷ đồng.

Phiên đấu giá đất tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Ảnh: VOV.vn

Phiên đấu giá đất tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Ảnh: VOV.vn

Phiên đấu giá tại huyện Phúc Thọ đã thu hút hơn 350 người tham gia với 650 hồ sơ đăng ký hợp lệ. Tỷ lệ này tương đương mỗi lô đất cho 9 khách hàng quan tâm.

Xã Trạch Mỹ Lộc có 30 lô nằm dọc khu Dộc Tranh với diện tích từ 96-148m2, mức giá khởi điểm 23 triệu đồng/m2.

Các lô còn lại thuộc xã Thọ Lộc với giá khởi điểm gần 20 triệu đồng/m2, diện tích khoảng 134m2 mỗi lô.

Người tham gia đấu giá phải đặt cọc trước 20% giá khởi điểm của thửa đất, tương đương từ 400-700 triệu đồng mỗi lô.

>>Vì sao cá nhân không được giao dịch BĐS quá 10 lần/năm?

Theo kết quả sơ bộ, toàn bộ 39 lô đất đều đã bán đấu giá thành công, trong đó lô cao nhất trúng với giá 60 triệu đồng/m2, cao gấp 2,6 lần mức giá khởi điểm; đây là lô đất có ký hiệu ĐG06 với diện tích gần 149m2, người trúng sẽ bỏ ra khoảng 9 tỷ đồng.

Vẫn xuất hiện tình trạng "mời chào để sang tay"

Nếu như tại phiên đấu giá tại huyện Hoài Đức diễn ra với nhiều vòng đấu, tối thiểu qua 6 vòng thì trong phiên đấu giá tại huyện Phúc Thọ, người tham gia sẽ viết phiếu trả giá trong một lần.

Sau đó, đấu giá viên sẽ xem xét các phiếu công khai tại chỗ để xác định người trúng theo nguyên tắc trả cao nhất cho một m2 của lô đất.

Môi giới chào bán các lô đất vừa trúng đấu giá với mức chênh khoảng 300 triệu đồng một lô dù phiên đấu giá tại huyện Phúc Thọ chưa kết thúc. Ảnh: Anh Tú

Môi giới chào bán các lô đất vừa trúng đấu giá với mức chênh khoảng 300 triệu đồng một lô dù phiên đấu giá tại huyện Phúc Thọ chưa kết thúc. Ảnh: Anh Tú

Căn cứ theo Nghị định 10/2023, mức tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá được quy định là 20% giá thị của thửa đất tính theo giá khởi điểm.

Như vậy, nếu giá khởi điểm càng cao, số tiền đặt cọc sẽ càng lớn.

Trong phiên đấu giá tại huyện Phúc Thọ, các nhà đầu tư/người mua phải đặt trước tối thiểu từ 450-700 triệu đồng mỗi lô, cao hơn 3,5 - 4 lần so với mức cọc của 2 phiên đấu giá ở Thanh Oai và Hoài Đức trước đó.

Mức giá trúng và giá khởi điểm trong phiên đấu lần này có biên độ chênh lệch thấp hơn so với 2 phiên đấu giá trước đó.

Mặt bằng giá trúng tại phiên đấu giá ở huyện Hoài Đức cao hơn khởi điểm từ 12,5 đến 18 lần.

Một trong những điểm đáng chú ý đó là ngay ở thời điểm phiên đấu giá vẫn đang diễn ra, phía ngoài hội trường đã xuất hiện một nhóm môi giới đất mời chào để "sang tay" lô đất trúng với mức giá chênh lệch khoảng 300 triệu đồng, tùy thuộc vào vị trí và mức độ quan tâm của nhà đầu tư.

Mặt bằng giá đất dân cư xung quanh khu vực đấu hiện đang ở mức khoảng 40 triệu đồng/m2 với đất mặt đường; 20-30 triệu đồng/m2 với đất trong ngõ.

Như vậy, mức trúng đấu giá đất cao hơn khoảng 1,5 lần so với giá đất gần đó; đây được xem là mức giá "tạm chấp nhận được" đối với các nhà đầu tư vì cơ bản các lô đất đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật.

Các nhóm môi giới hình thành ngay gần khu vực đấu giá huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: VOV.vn

Các nhóm môi giới hình thành ngay gần khu vực đấu giá huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: VOV.vn

Trước đó, các phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai, Hoài Đức đã thu hút một lượng lớn người tham gia với hàng nghìn hồ sơ đăng ký.

Đáng nói mức giá trúng cao bất thường lên đến 133 triệu đồng/m2 khiến dư luận không khỏi xôn xao; mức giá cao hơn 18 lần khởi điểm, vượt giá trị thực so với các lô đất cùng khu vực; xuất hiện nhiều điểm bất hợp lý khi giá khởi điểm quá thấp.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh việc đấu giá đất, Bộ TN&MT đã thành lập đoàn kiểm tra nắm tình hình việc đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Hoài Đức và Thanh Oai nhằm đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nửa đầu năm 2024, phân khúc đất nền tại các huyện ngoại thành Hà Nội đang sôi động trở lại.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, đất đấu giá có sôi động hay không phụ thuộc nhiều vào việc thị trường BĐS tại khu vực đó... đặc biệt đối với các khu vực huyện sắp lên quận hoặc có các dự án giao thông, khu vực đô thị được xây dựng.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi thị trường đất nền sôi động, việc đấu giá đất nhiều khả năng trở thành một thị trường đầu cơ mới thay vì tạo thêm nguồn cung mới cho người thực sự có nhu cầu.

Thực trạng các suất trúng đấu giá liên tục bị "mua đi bán lại" không phải hiếm, việc trúng đấu giá cao cũng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới cho toàn bộ khu vực xung quanh và nhiều người sẽ căn cứ vào mức này để "đẩy giá" chuyển nhượng lên cao.

>> Cần thiết phải đánh thuế BĐS để 'hãm phanh' giá nhà

Miền Bắc hưởng lợi khi giá thuê bất động sản công nghiệp chênh lệch đáng kể so với miền Nam

‘Hòn ngọc viễn Đông’ của Việt Nam lọt top 5 địa điểm lặn biển đẹp nhất châu Á

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cach-ho-guom-40km-dat-dau-gia-huyen-phuc-tho-cao-nhat-60-trieu-dong-m2-d131774.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cách Hồ Gươm 40km, đất đấu giá huyện Phúc Thọ cao nhất 60 triệu đồng/m2
POWERED BY ONECMS & INTECH