Bất động sản

Cải tạo rạch ô nhiễm nhất TPHCM: Hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng được hỗ trợ thế nào?

Duy Quang 24/10/2024 07:42

Dự kiến vào tháng 11/2024, TPHCM sẽ triển khai việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 2.215 hộ dân ở hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp bị ảnh hưởng bởi dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm.

2.215 hộ dân bị ảnh hưởng

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TPHCM về biện pháp, mức hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm.

Theo đó, dự án đi qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp với tổng cộng 2.215 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng.

Tại quận Gò Vấp, có 138 trường hợp bị thu hồi đất, gồm 137 hộ gia đình và Trường đại học Văn Lang. Trong đó, 40 hộ dân sẽ bị giải tỏa hoàn toàn và 98 hộ sẽ bị giải tỏa một phần.

Cải tạo rạch ô nhiễm nhất TPHCM: Hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng được hỗ trợ thế nào? ảnh 1
Rạch Xuyên Tâm bị ô nhiễm nặng.

Tại quận Bình Thạnh, dự án thu hồi đất 2.077 trường hợp. Trong đó, 1.230 hộ dân và 23 tổ chức sẽ bị giải tỏa toàn bộ, còn lại 824 trường hợp sẽ bị giải tỏa một phần.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã đề xuất hỗ trợ cho các hộ gia đình không đủ điều kiện bồi thường theo quy định. Mức hỗ trợ sẽ được xác định dựa trên nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, cũng như lý do không đủ điều kiện.

Cụ thể, đối với các trường hợp diện tích đất thu hồi không vi phạm pháp luật, không được công nhận quyền sử dụng đất và đang sử dụng đất ổn định, hỗ trợ sẽ được chia làm hai nhóm.

Nhóm sử dụng đất trước ngày 15/10/1993, được hỗ trợ 100% giá trị đất nhưng không vượt quá 160 m2, phần diện tích vượt quá sẽ tính theo giá đất nông nghiệp.

Nhóm sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014, được hỗ trợ 100% giá trị đất nhưng phải trừ nghĩa vụ tài chính, diện tích hỗ trợ cũng không vượt quá 160 m2.

Đối trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 1/7/2014, nhưng đã sử dụng ổn định và không thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mức hỗ trợ theo 2 loại.

Trường hợp sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp (gồm đất ở và đất phi nông nghiệp không phải đất ở), sử dụng trước ngày 15/10/1993 được hỗ trợ 70% giá đất; sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 được hỗ trợ 56% giá đất; sử dụng từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014 được hỗ trợ 42% giá đất. Diện tích hỗ trợ không vượt quá 160 m2. Diện tích vượt quá sẽ tính theo loại đất nông nghiệp.

Trường hợp sử dụng cho mục đích nông nghiệp sẽ được hỗ trợ 70% giá đất nông nghiệp theo giá bồi thường.

Đối với đất có nguồn gốc là sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng đã lấn, chiếm và tự chuyển mục đích sử dụng đất thì không bồi thường nhưng được hỗ trợ về đất (gồm phần diện tích đã san lấp và phần diện tích chưa san lấp nhưng có nhà, công trình, vật kiến trúc).

Đối với trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất mà có thời điểm sử dụng đất từ ngày 1/7/2014 trở về sau sẽ không được hỗ trợ về đất.

Trường hợp đất đã được cấp giấy chứng nhận với mục đích sử dụng là đất nông nghiệp, hộ dân đã tự chuyển mục đích sử dụng đất, xây nhà ở trước ngày 1/7/2014, có khuôn viên riêng biệt, có hồ sơ thường trú, tạm trú rõ ràng, sử dụng ổn định, không tranh chấp thì được xem xét tính hỗ trợ bằng 100% đơn giá đất ở và phải trừ nghĩa vụ tài chính. Diện tích hỗ trợ là diện tích đất ở thu hồi thực tế sử dụng nhưng không vượt quá 160 m2.

Tăng vốn tăng hơn 7.500 tỷ đồng

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm đi qua địa bàn hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp với tổng số 2.215 trường hợp bị ảnh hưởng. Trong đó, quận Gò Vấp có khoảng 138 trường hợp bị ảnh hưởng, quận Bình Thạnh với khoảng 2.077 trường hợp bị ảnh hưởng.

Dự án gồm tuyến rạch chính dài gần 6,7 km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật và 3 nhánh dài hơn 2,2km (nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi). Trước đây, dự án được TPHCM dự tính đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, hình thức này không khả thi nên dự án chưa thực hiện được, kéo dài nhiều năm.

Cải tạo rạch ô nhiễm nhất TPHCM: Hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng được hỗ trợ thế nào? ảnh 2
Phối cảnh rạch Xuyên Tâm sau khi hoàn thành.

Hồi cuối tháng 9, HĐND TPHCM đã thống nhất thông qua điều chỉnh chủ trương, tăng vốn đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm từ hơn 9.660 tỷ đồng thành hơn 17.220 tỷ đồng, tăng hơn 7.560 tỷ đồng. Dự kiến, bố trí vốn cho dự án trong giai đoạn 2021-2025 là hơn 15.470 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 hơn 1.700 tỷ đồng.

Lý giải việc tổng mức đầu tư của dự án tăng hơn 7.500 tỷ đồng, tờ trình của UBND TPHCM cho biết, vừa qua quận Gò Vấp và Bình Thạnh đã dự toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư của dự án theo Luật Đất đai mới với gần 14.000 tỷ đồng; chi phí này đã tăng hơn 7.300 tỷ đồng so với dự toán trước đây.

Bên cạnh đó, chi phí xây dựng dự án tăng gần 295 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án tăng hơn 28 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng cũng tăng hơn 32 tỷ đồng; chi phí khác giảm hơn 107 tỷ đồng; chi phí dự phòng giảm hơn 35 tỷ đồng.

Chủ trương đầu tư xây dựng rạch Xuyên Tâm nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng, nâng cao chất lượng sống của người dân và làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội. Dự án ngoài giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường còn giúp địa phương thu gom nước mưa, hạn chế ngập úng. Sau khi hoàn thành, rạch Xuyên Tâm sẽ kết nối giao thông giữa các dự án có hạ tầng giao thông đã, đang và sẽ đầu tư trong khu vực.

Hiện, UBND quận Gò Vấp đã ban hành 138 Thông báo thu hồi đất, tổ chức niêm yết công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án tại UBND phường 5 và khu phố nơi có đất thu hồi, nhận định bổ sung về nguồn gốc pháp lý đến mốc thời gian ngày 1/7/2014 và tiến hành lập dự thảo phương án chi tiết của từng hộ dân có đất thu hồi.

Còn UBND quận Bình Thạnh đã ban hành thông báo về niêm yết dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án, nhận định bổ sung về nguồn gốc pháp lý đến mốc thời gian ngày 1/7/2014 và tiến hành lập dự thảo phương án chi tiết của từng hộ dân có đất thu hồi.

>> Giải ngân 9.300 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng dự án rạch ô nhiễm nhất TP. HCM

Ô nhiễm không khí: thảm họa toàn cầu và tác động nặng nề đến kinh tế

Giữa động cơ xăng và động cơ diesel: Loại nào gây ô nhiễm môi trường hơn?

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/cai-tao-rach-o-nhiem-nhat-tphcm-hon-2000-ho-dan-bi-anh-huong-duoc-ho-tro-the-nao-post1684902.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cải tạo rạch ô nhiễm nhất TPHCM: Hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng được hỗ trợ thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH