Xã hội

Cần 2.000 tỷ để ngành học đào tạo nhân lực đường sắt tốc độ cao hấp dẫn hơn

N. Huyền 12/02/2025 07:10

Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, để thu hút được người học chất lượng đăng ký các chuyên ngành phục vụ đường sắt tốc độ cao, ngân sách nhà nước cần bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng để ngành học này hấp dẫn hơn.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cho thấy nhu cầu nhân lực triển khai xây dựng, vận hành dự án rất lớn. Trong đó, khối nhân lực quản lý cần khoảng 500 người, khối tư vấn cần 1.200 - 1.300 người.

Khối xây dựng có nhu cầu nhân lực lớn nhất, lên tới 220.000 - 240.000 người. Tại thời kỳ cao điểm, khối này cần tới 18.000 - 20.000 kỹ sư, với 20 - 30% trong số đó là kỹ sư chuyên ngành xây dựng đường sắt (hạ tầng, phương tiện đường sắt).

Riêng khối nhân lực khai thác vận hành (vận hành chạy tàu và bảo trì hệ thống, từ năm 2035 - 2036) cần khoảng 13.880 lao động, trong đó khoảng 20% có trình độ đại học trở lên, phần còn lại là lao động có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng.

Trước yêu cầu trên, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận công tác đào tạo nhân lực phục vụ ngành đường sắt hiện nay có nhiều bất cập.

e820d5c6 3d9a 43ff b505 a1aa72208900.jpg
Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh: QH

Trong đó, hệ thống đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế (thiếu chương trình đào tạo chuyên sâu, chưa cập nhật theo công nghệ đường sắt hiện đại như tàu ngầm, tàu cao tốc…).

“Chúng ta cũng đang thiếu chuyên gia giảng dạy về công nghệ đường sắt hiện đại. Hơn nữa, Việt Nam chưa có chuyên ngành đào tạo về kỹ thuật đường sắt tốc độ cao, điều khiển tín hiệu thông minh, bảo trì cao tốc, an toàn vận hành… Trong khi đó nhiều chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp vận tải đường sắt, nhất là gắn với hệ thống đường sắt tốc độ cao”, ông Khải nhìn nhận.

Do đó, ông Khải nhấn mạnh, cần có chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao.

Đồng quan điểm, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) nhận định, nguồn nhân lực đường sắt của nước ta mới chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của hệ thống đường sắt hiện hữu.

Theo ông Cảnh, với nhu cầu phát triển của ngành đường sắt trong thời gian tới, Nhà nước cần có các chính sách phù hợp để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ở nhiều mảng hoạt động như quản lý, xây dựng, khai thác - vận hành…

Toàn bộ nhân lực xây dựng, vận hành các tuyến đường sắt mới, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đều phải qua đào tạo cơ bản với trình độ đại học trở lên.

"Để thu hút được người học chất lượng đăng ký các chuyên ngành phục vụ đường sắt tốc độ cao, ngân sách nhà nước cần bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng (tương đương 80 triệu USD) để ngành học này trở nên hấp dẫn hơn.

Đây là khoản tiền để chi cho các việc như: Đào tạo cán bộ giảng dạy, đặc biệt là chuyên ngành chuyên sâu đường sắt tốc độ cao (dự kiến 100 thạc sĩ và 10 tiến sĩ ở nước ngoài); cung cấp 4.000 suất học bổng để thu hút người giỏi; trang bị phòng thí nghiệm, trang thiết bị mô phỏng thực hành", ông Cảnh nói.

ong tran thien canh jpg 112958.jpg
Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh. Ảnh: N.Huyền

Một chuyên gia giao thông khác cũng nhấn mạnh, trước thực trạng đào tạo ngành đường sắt hiện nay và đòi hỏi số lượng nhân lực lớn trong thời gian rất ngắn, nếu không có cơ chế đột phá thì khó thu hút. Do đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu giải pháp, chính sách đặt hàng.

“Nếu không đặt hàng thì không thể có nguồn nhân lực trong thời gian ngắn. Do đó, cần cụ thể hóa, đặt hàng cho các trường đại học, chỉ định cho các trường có tiềm lực sẵn có (giảng viên, cơ sở vật chất…)'', vị chuyên gia này đề xuất.

Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lưu ý, việc quan trọng nhất trong đào tạo nhân lực phục vụ đường sắt tốc độ cao đối với các trường là xác định được nhu cầu đào tạo.

Theo đó, phải có đầu mối nghiên cứu xây dựng đề án nhu cầu đào tạo nhân lực cho ngành đường sắt trong tương lai.

“Việc đào tạo cần được thực theo hình tháp (khi nào đào tạo bao nhiêu nhân lực, khi nào đến đỉnh, khi nào phải giảm đi…) chứ không phải “ông” nào cũng đào tạo”, ông Đông nói.

>> Đường sắt tốc độ cao cần trăm nghìn nhân lực, đề xuất miễn giảm học phí đào tạo

Đường sắt tốc độ cao cần trăm nghìn nhân lực, đề xuất miễn giảm học phí đào tạo

Trước đề nghị của Thủ tướng tham gia nghiên cứu, sản xuất toa tàu đường sắt tốc độ cao, Chủ tịch THACO nói gì?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/can-2-000-ty-de-nganh-hoc-dao-tao-nhan-luc-duong-sat-toc-do-cao-hap-dan-hon-2370519.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cần 2.000 tỷ để ngành học đào tạo nhân lực đường sắt tốc độ cao hấp dẫn hơn
    POWERED BY ONECMS & INTECH