Đường sắt tốc độ cao cần trăm nghìn nhân lực, đề xuất miễn giảm học phí đào tạo
Đại diện Trường Đại học GTVT kiến nghị miễn 100% học phí cho những sinh viên đại học chuyên ngành liên quan đến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị nếu đạt học lực giỏi, giảm 50% học phí nếu đạt học lực khá.
Sáng 11/2, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã làm việc với trường Đại học GTVT về đào tạo nguồn nhân lực đường sắt và thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, nhu cầu nhân lực rất lớn. Trong đó, đội ngũ quản lý dự án cần khoảng 300 - 500 người giai đoạn 2025 - 2027, và 700 - 900 người vào giai đoạn cao điểm 2028 - 2032.
Nhân lực tư vấn khảo sát, thiết kế, giám sát cao điểm nhất vào 2026 - 2028, với khoảng 1.200 - 1.300 người. Đây là nhóm nhân lực yêu cầu trình độ cao với 100% có bằng đại học và một phần nhỏ có trình độ tiến sĩ chuyên ngành.
Đặc biệt, khối tham gia xây dựng là nhóm có nhu cầu nhân lực lớn nhất, lên tới 220.000 - 240.000 người. Tại thời kỳ cao điểm, cần 18.000 - 20.000 kỹ sư, với 20-30% trong số đó là kỹ sư chuyên ngành xây dựng đường sắt. Khối nhân lực khai thác vận hành, vận hành chạy tàu và bảo trì hệ thống, từ năm 2035-2036 cần khoảng 13.880 người.
Như vậy, để triển khai xây dựng, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, cần khoảng 260.000 nhân lực.
![W-Hội thảo1.JPG.jpg](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/11/static-images.vnncdn.net-vps_images_publish-000001-000003-2025-2-11-_w-hoi-thao1jpg-53091.jpg)
Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT cho biết, dù nhu cầu nguồn nhân lực và làm chủ công nghệ lõi trong lĩnh vực đường sắt hiện đại hiện rất lớn, nhưng so với các ngành kỹ thuật, kinh tế khác, sức hút của ngành này với xã hội vẫn còn hạn chế.
“Phần lớn sinh viên theo học ngành đường sắt tại các cơ sở đào tạo về đường sắt lựa chọn các chương trình đào tạo bằng hai, tại chức hoặc đào tạo ngắn hạn. Quy mô học sinh đăng ký dự tuyển vào các lớp đường sắt chính quy chưa cao.
Đầu tư của nhà nước cho đào tạo và phát triển khoa học công nghệ của lĩnh vực đường sắt còn rất hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành”, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng nói.
![W-IMG_8124.JPG.jpg](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/11/static-images.vnncdn.net-vps_images_publish-000001-000003-2025-2-11-_w-img-8124jpg-53092.jpg)
Trường Đại học GTVT là cơ sở duy nhất tại Việt Nam đào tạo đại học và nghiên cứu đầy đủ các chuyên ngành đường sắt. Tuy nhiên, theo báo cáo của nhà trường, đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của nhà trường gồm đầy đủ các lĩnh vực chỉ có 79 người. Đội ngũ các chuyên gia chuyên ngành gần, có khả năng chuyển sang giảng dạy về đường sắt khi cần thiết khoảng 107 người.
Theo thống kê riêng tại Trường Đại học GTVT có 104 lượt nhu cầu đào tạo về đường sắt hiện đại cho từng lĩnh vực. Tuy nhiên, vấn đề huy động các nguồn lực cho việc đào tạo này rất khó khăn do chưa có cơ chế để nâng học phí cho lĩnh vực đường sắt. Đồng thời, đầu tư của nhà nước cho đào tạo giảng viên đường sắt chưa có chính sách đặc thù riêng.
Miễn 100% học phí cho sinh viên đường sắt nếu đạt học lực giỏi
Qua tổng kết thực tế quá trình đào tạo, PGS.TS. Ngô Văn Minh, Phó trưởng phòng phụ trách Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (Đại học GTVT) chỉ ra một số vấn đề tồn tại lớn trong đào tạo nguồn lực cho đường sắt.
Thứ nhất là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao: Nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực kỹ thuật, quản lý vận hành, an toàn đường sắt chưa có đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị. Số lượng sinh viên chọn học tiếp cao học, tiến sĩ rất hạn chế trong tương quan với các chuyên ngành như cầu đường bộ, cầu hầm.
Thứ hai, chương trình đào tạo thiếu tính hiện đại. Nhiều nội dung đào tạo vẫn dựa trên các công nghệ cũ, chưa cập nhật theo tiêu chuẩn quốc tế và xu hướng tự động hóa, gây ra khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực tiễn.
![W-Trường GTVT.JPG.jpg](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/11/static-images.vnncdn.net-vps_images_publish-000001-000003-2025-2-11-_w-truong-gtvtjpg-53093.jpg)
Trong khi đó, các cơ sở đào tạo chưa được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, mô hình thực hành và hệ thống mô phỏng, dẫn đến việc học viên không có cơ hội tiếp cận các công nghệ mới.
Ngoài ra, chưa có chuẩn chương trình đào tạo thống nhất trên cấp độ toàn quốc, có tính liên thông từ thấp lên cao cho lĩnh vực đường sắt. Một số cơ sở chưa đủ nguồn nhân lực, điều kiện và kinh nghiệm cũng đã tổ chức mở lớp, đào tạo về đường sắt để đáp ứng cơ chế thị trường dẫn tới chất lượng đào tạo chưa được như mong muốn.
“Ngành đường sắt, đặc biệt là đường sắt hiện đại (tốc độ cao, đường sắt đô thị) là ngành đào tạo đặc thù, đòi hỏi sự kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và đào tạo thực hành. 5 chuyên ngành của lĩnh vực đường sắt gồm xây dựng, phương tiện, điện khí hóa, thông tin tín hiệu, khai thác – vận tải đều yêu cầu nguồn lực rất lớn về trang thiết bị thí nghiệm, thực nghiệm, thực tập. Trung tâm Khoa học công nghệ của Trường Đại học GTVT đã là một trung tâm thí nghiệm lớn trong lĩnh vực đường sắt, tuy nhiên còn rất hạn chế và lạc hậu”, PGS.TS. Ngô Văn Minh nói thêm.
Trước thực tế này, lãnh đạo Trường Đại học GTVT kiến nghị cơ quan quản lý miễn 100% học phí cho những sinh viên đại học chuyên ngành liên quan đến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị nếu đạt học lực giỏi, giảm 50% học phí nếu đạt học lực khá.
Đề xuất 6 cơ chế đặc thù xây đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM
Tỷ phú Trần Bá Dương 'xin hứa' trước Thủ tướng về việc chuyển giao công nghệ làm đường sắt đô thị