Siêu sân bay 20 tỷ USD - biểu tượng thành phố Osaka - đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Ẩn mình trong Vịnh Osaka đẹp như tranh vẽ ở Nhật Bản, sân bay Quốc tế Kansai, từng được ca ngợi vì vẻ đẹp độc đáo, giờ đây đứng trước nguy cơ khẩn cấp: kiến trúc nhân tạo này đang chìm dần với tốc độ đáng báo động.
Cảng hàng không quốc tế Kansai, Osaka, Nhật Bản |
Được đưa vào hoạt động từ năm 1994, kỳ quan hàng không khổng lồ trị giá gần 20 tỷ USD này được hình dung như một biểu tượng của sự hiện đại và tiện lợi, tạo điều kiện cho việc đi lại bằng đường hàng không cho người dân Osaka và đóng vai trò là trung tâm quan trọng của các hãng hàng không nổi tiếng châu Á như All Nippon Airways, Japan Airlines và Nippon Cargo.
Sân bay Kansai mang hình chữ "H" khổng lồ khi nhìn từ trên cao |
Khi hoàn thành thi công, sân bay được dự đoán sẽ ổn định trong vòng 5 thập kỷ, ở độ cao 4m so với mực nước biển để tránh lũ lụt. Một khoản ngân sách lên tới 145 triệu USD sau đó đã được chi ra để củng cố tường chắn sóng nhằm ngăn chặn tình trạng ngập nước cho sân bay.
“Miếng bọt biển khổng lồ”
Vấn đề cốt lõi là sân bay Kansai được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo có cấu trúc địa hình giống như một miếng bọt biển ngập nước. Hòn đảo vốn dĩ cần được gia cố đáng kể trước khi có thể chịu được sức nặng của một sân bay rộng lớn. Quá trình này bao gồm việc xếp lớp cát dài 5 feet dưới đáy biển và lắp đặt khoảng 2,2 triệu ống thẳng đứng, mỗi ống có đường kính gần 16 inch. Những đường ống này chứa đầy cát, dùng để hút độ ẩm từ đất xung quanh, củng cố độ vững chắc của nền móng.
Sân bay Kansai (phía dưới cùng) nằm trong vịnh Osaka, nhìn từ vệ tinh |
Bất chấp việc các kiến trúc sư và nhà thầu Nhật Bản đã lên kế hoạch thực hiện tỉ mỉ, bao gồm cả việc nâng cao khu vực nhà ga bằng kích thủy lực, sân bay vẫn tiếp tục chìm xuống. Các kỹ sư hiện đang gặp rắc rối không chỉ bởi tốc độ mà còn bởi sự chìm xuống không đồng đều của nó, từng phần của hòn đảo khổng lồ đang dần ngập nước với tốc độ khác nhau.
Mặc dù sân bay này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Osaka và vận tải hàng không toàn cầu, được xếp hạng trong số các sân bay bận rộn nhất châu Á, nhưng tương lai của sân bay này vẫn đang rất bấp bênh. Mối quan tâm cấp bách xoay quanh tính bền vững của cơ sở hạ tầng đang chìm dần này và những mối nguy hiểm tiềm ẩn.
Kiên cường như biểu tượng của dân tộc Nhật Bản
Sân bay quốc tế Kansai – nơi đóng vai trò là trung tâm không vận lớn của châu Á, đón hơn 30 triệu lượt hành khách mỗi năm - đã sống sót sau các thảm họa thiên nhiên và bình yên trước những xung đột địa chính trị trong nhiều thập kỷ vừa qua.
Ngoài việc vượt qua trận động đất lớn Hanshin năm 1995, nó còn bị một cơn bão tấn công vào năm 2018 khiến nước biển tràn vào đường băng.
Sân bay Kansai sau cơn bão Jebi năm 2018 |
Vài ngày sau thảm họa, một chiếc tàu chở dầu đã đâm vào cây cầu nối sân bay với đất liền, khiến hành khách mắc kẹt. Tuy nhiên, các hoạt động không lưu và bảo trì sân bay đã nhanh chóng được sửa chữa và phục hồi để đón các chuyến bay tấp nập của nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới. Sân bay Kansai được coi như niềm tự hào của tỉnh Osaka nói riêng và cả đất nước mặt trời mọc bởi kỹ thuật xây dựng độc đáo và sức phục hồi nhanh chóng sau những thách thức tự nhiên.
Máy bay cất cánh từ sân bay Kansai |
Tuy nhiên, tình thế cấp bách hiện nay đang đặt ra 1 câu hỏi lớn. Liệu sân bay Quốc tế Kansai có thể chịu được vấn đề kép: kiến trúc cố hữu và sự dâng lên của mực nước biển trong bao lâu trước khi hoàn toàn bị khuất phục bởi tự nhiên? Sự nỗ lực của giới chức Nhật Bản đang cao hơn bao giờ hết để duy trì và phát triển kỳ quan hàng không từng mang tính biểu tượng này.