Cần đánh giá kỹ tác động khi điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt

06-07-2023 07:24|Anh Minh

Ngày 5/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo khoa học "Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)".

Cần đánh giá kỹ tác động khi điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết ngày 21/6/2023, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). 

Những nội dung chính của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi gồm: Mở rộng cơ sở thuế, đưa vào diện chịu thuế TTĐB các hàng hóa dịch vụ như nước giải khát có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, sản phẩm thuốc lá mới, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; bổ sung quy định về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế; quy định về biểu thuế, mức thuế TTĐB (bổ sung), trong đó có việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu bia; mô tả cụ thể các mặt hàng chịu thuế trong biểu thuế TTĐB; quy định nội dung của một số điều luật, đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Thuế TTĐB và các luật chuyên ngành có liên quan.

Cần đánh giá kỹ tác động khi điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 2.

TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Theo ông Đậu Anh Tuấn, góp ý dự thảo luật, nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quan điểm và nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung do Bộ Tài chính đề xuất. Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến khác nhau liên quan phương pháp tính thuế, điều chỉnh thuế suất, việc bổ sung một số mặt hàng vào diện đánh thuế TTĐB.

Đáng chú ý, Dự án Luật Thuế TTĐB có mở rộng và đưa "nhóm giải khát có đường" vào luật với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. 

Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chưa có phân tích đánh giá đầy đủ về việc sử dụng đồ uống có đường liên quan với tình trạng thừa cân béo phì cũng như chưa rõ hiệu quả của chính sách thuế này.

Theo PGS.TS. bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam, mối liên quan giữa nước giải khát có đường với thừa cân, béo phì (TCBP) ở trên thế giới vẫn còn nhiều tranh luận trái chiều và chưa có nghiên cứu tìm thấy mối liên quan duy nhất của TCBP với nước giải khát có đường.

Trích dẫn một nghiên cứu của một số chuyên gia dinh dưỡng Việt Nam và Nhật Bản về tiêu thụ đường của trẻ em Việt Nam, Campuchia, Nhật Bản, các tác giả không tìm được mối liên quan giữa đường tiêu thụ và béo phì ở trẻ em ở cả 3 khu vực nêu trên...

Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) kiến nghị Ban soạn thảo đánh giá kỹ tính hiệu quả của việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng nói chung và giảm tỉ lệ TCBP nói riêng.

Theo bà Nguyễn Việt Hà (Phó Chủ tịch Amcham Hà Nội), hiện nay chỉ có khoảng 45 quốc gia (chưa đến 1/4 các nước trên thế giới) áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường. Kinh nghiệm ở một số quốc gia đã áp dụng cũng cho thấy việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường đã không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỉ lệ TCBP. Bên cạnh đó, một số nước (Na Uy, Đan Mạch) đã bãi bỏ bãi bỏ chính sách thuế này vì không có tác động đáng kể đến sức khỏe của người dùng nhưng lại gây ra các tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội... 

Từ góc độ cơ quan nghiên cứu, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho biết theo kết quả nghiên cứu của đơn vị này, việc tăng thuế TTĐB từ 0% lên 10% có thể sẽ giúp tăng thu ngân sách 2.279,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, ảnh hưởng do sụt giảm sản lượng có thể lên tới 3.159,5 tỷ đồng khiến tổng thu ngân sách bị giảm 880,4 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Minh Thảo cho rằng việc thay đổi chính sách thuế sẽ tăng rủi ro và ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh. 

Theo đó, nếu chính sách thuế được áp dụng, dự báo đa số doanh nghiệp sẽ chia sẻ gánh nặng thuế với người tiêu dùng để giữ sản lượng và thị phần, từ đó dẫn tới lợi nhuận giảm và  gây sức ép ngược lại về lợi nhuận và chi phí đối với doanh nghiệp trong chuỗi.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ điều chỉnh chiến lược (ở cấp khu vực) để nhập khẩu thay vì sản xuất do chi phí trong nước cao. Đồng thời, với việc chênh lệch giá giữa giá chính thống và giá buôn lậu là 6% có thể khiến hoạt động buôn lậu gia tăng.

Đại diện CIEM khuyến nghị Ban soạn thảo cần đánh giá đầy đủ các tác động chính sách, làm giàu chính sách với phản biện, nghiên cứu độc lập mang tính khoa học. Đồng thời cân nhắc về lộ trình áp dụng, xây dựng lộ trình đối với việc áp dụng sắc thuế khi doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn. Việc mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế (trong đó có thuế TTĐB) sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, các chính sách ban hành cần đảm bảo nhất quán với định hướng, chính sách về phục hồi và phát triển doanh nghiệp, tránh tạo ra những rủi ro chính sách cho doanh nghiệp.

*Trước đó, tại hội thảo "Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 4/7, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho rằng nếu thay đổi phương pháp tính thuế mà không đánh giá  ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bia phổ thông thương hiệu Việt (đang sản xuất tại các nhà máy bia địa phương trải khắp cả nước) sẽ gián tiếp ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách Nhà nước cũng như cân đối ngân sách của các địa phương. 

Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần giải pháp hài hòa

Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/can-danh-gia-ky-tac-dong-khi-dieu-chinh-thue-tieu-thu-dac-biet-102230705134105505.htm
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cần đánh giá kỹ tác động khi điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt
POWERED BY ONECMS & INTECH