Cảng biển loại III của tỉnh Sóc Trăng đã được phê duyệt xây dựng cảng đặc biệt với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 50.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc chấp thuận chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề - cảng cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tổng thể Đề án xây dựng bến cảng Trần Đề. Trong đó, các Bộ tiến hành rà soát, làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý và sản phẩm đầu ra đối với dự án xây dựng cảng Trần Đề và báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2024.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5. Trong đó xác định, một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng), giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn là 50.000 tỷ đồng.
Về quy mô cảng Trần Đề khi trở thành cảng đặc biệt sẽ có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000DWT (6.000-8.000Teus), tàu hàng rời 160.000DWT. Về phương án sử dụng đất tại khu vực dự án cảng biển Trần Đề, theo đơn vị tư vấn, sẽ có gần 2.500ha đất lấn trên biển (62,05%), hơn 460ha đất rừng phòng hộ (11,56%), hơn 440ha đất sông ngòi, kênh rạch (11,02%)...
Đồng thời dự án sẽ được đầu tư hạ tầng kỹ thuật gồm: cấp điện, cấp nước, thoát nước, phòng cháy chữa cháy và các công trình phụ trợ. Khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics sẽ có tổng diện tích khoảng 4.000ha với cơ sở hạ tầng bao gồm: san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện động lực, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc để kêu gọi nhà đầu tư thuê cơ sở hạ tầng…
Để phục vụ cho dự án, tỉnh Sóc Trăng đề xuất xin hỗ trợ từ ngân sách Trung ương kết hợp với xã hội hóa xây dựng một số hạng mục thuộc bến cảng Trần Đề theo các dự án thành phần. Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất thành lập Khu kinh tế Trần Đề với các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu phi thuế quan tại khu vực bến cảng Trần Đề nhằm thu hút đầu tư.
Về logistics, kiến nghị xây dựng khu hậu cần cảng, logistics gắn với dự án cảng biển.
Hiện tại, đa số hàng hóa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải thực hiện trung chuyển lên TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu khiến chi phí vận chuyển bị đội lên cao. Việc đưa xây dựng cảng Trần Đề sẽ giúp giảm chi phí logistics cho vùng thông qua xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp. Đồng thời, cảng Trần Đề còn có thể trở thành địa điểm trung chuyển hàng hóa từ các nước khác trong khu vực.
Cả nước hiện có 13 cảng biển loại III gồm các cảng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Đáng chú ý, trong số các cảng biển loại III có riêng cảng biển Sóc Trăng được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.
Sẽ 'rót' hơn 420.000 tỷ đồng đầu tư các cảng hàng không trong giai đoạn 2021-2030
‘Tân binh’ 6 tháng tuổi ‘chơi lớn’, ôm trọn dự án gần 5.000 tỷ tại đất cảng Hải Phòng