Cảnh báo lừa đảo đặt nhà hàng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 để chiếm đoạt tiền

28-04-2024 14:32|Vân Anh

Ngoài các chiêu lừa đảo du lịch, trong tuần qua, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng lưu ý người dân về hình thức lừa đảo đặt tiệc, đặt nhà hàng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 để chiếm đoạt tiền của các nhà hàng.

Từ ngày 22/4 đến 28/4, nội dung ‘Điểm tin tuần’ của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tiếp tục cung cấp những thông tin liên quan đến lừa đảo trực tuyến nổi bật để góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng:

'Rộ' các chiêu lừa đảo du lịch, đặt nhà hàng dịp nghỉ lễ

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay có thời gian kéo dài 5 ngày nên người dân có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng đã thực hiện hàng loạt các chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau để chiếm đoạt tài sản người dùng.

lua dao truc tuyen tuan 17 0.jpg
Theo Cục An toàn thông tin, lợi dụng dịp nghỉ lễ, các đối tượng đã thực hiện hàng loạt các chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau để chiếm đoạt tài sản người dùng. Ảnh minh họa: NCSC

Đơn cử, đối tượng làm giả ảnh chụp biên lai, hoá đơn thanh toán cùng con dấu của công ty du lịch; sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, đối tượng lừa đảo chặn liên lạc và xóa dấu vết. Một số đối tượng lợi dụng thói quen đặt vé online của người dân để lừa chiếm đoạt tài sản, khiến nhiều người mua phải vé tàu, xe giả, bị cạo sửa thông tin và không có giá trị sử dụng.

lua combo gia re 1 1.jpg
Lừa đảo combo du lịch giá rẻ là hình thức lừa đảo thường được các đối tượng sử dụng nhiều vào các dịp nghỉ lễ. 

Cùng với khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước các hình thức lừa đảo du lịch, các chuyên gia Cục An toàn thông tin còn cảnh báo về hình thức lừa đảo đặt tiệc, đặt nhà hàng dịp nghỉ lễ để chiếm đoạt tiền của các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Cụ thể, gần đây, một số nhà hàng và dịch vụ nấu ăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng bằng chiêu trò đặt tiệc, nhờ mua rượu, thực phẩm cho khách sử dụng.

Để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm lừa đảo kể trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân và các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở lưu trú nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin khi tiếp nhận yêu cầu nhận đặt tiệc online qua mạng viễn thông, mạng xã hội để tránh bị lừa đảo; đồng thời, cần chia sẻ, cảnh báo rộng rãi về thủ đoạn lừa đảo này.

Chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng không nên nhận chuyển khoản hay thanh toán hộ cho những đối tượng không rõ danh tính, kiểm tra kỹ nội dung biên lai và chỉ nên thực hiện khi chắc chắn tài khoản của mình nhận được tiền của đối tượng. Trường hợp phát hiện những hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất để xử lý theo đúng pháp luật.

Cảnh báo gia tăng lừa đảo bằng công nghệ Deepfake

Cục An toàn thông tin cho hay, Deepfake - công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra các đoạn video giả mạo như thật, đang là mối đe dọa lớn với người dùng không gian mạng Việt Nam. Gần đây, tội phạm mạng thường xuyên sử dụng các cuộc gọi video Deepfake để mạo danh một cá nhân và vay mượn người thân, bạn bè của họ những khoản tiền lớn.

Các đối tượng làm giả, chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần tiền ngay lập tức; sử dụng công nghệ Deepfake, chúng thực hiện cuộc gọi video để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật.

lua dao truc tuyen tuan 17 2.jpg
Tội phạm mạng gần đây thường xuyên sử dụng các cuộc gọi video Deepfake để mạo danh một cá nhân vay mượn người thân, bạn bè của họ khoản tiền lớn. Ảnh minh họa: NCSC

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng có thể dùng chính các công cụ AI như ‘Intel FakeCatcher’, ‘Microsoft Video Authenticator’ để nhận diện Deepfake nhằm giảm thiểu xác suất thành công của các vụ lừa đảo. Với video Deepfake, có một số công cụ giúp nhận diện sự chuyển động không khớp giữa miệng và lời thoại.

Người dân cũng cần lưu ý không cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, mã OTP và không chuyển tiền cho người lạ qua điện thoại, mạng xã hội, các trang web có dấu hiệu lừa đảo. Khi có yêu cầu vay/chuyển tiền vào tài khoản qua mạng xã hội, nên thực hiện các phương thức xác thực khác như gọi điện thoại truyền thống hay sử dụng các kênh liên lạc khác để xác nhận lại.

Lừa đảo về chính sách bảo hiểm xã hội để chiếm đoạt tài sản

Lợi dụng lòng tin của người dân vào chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian vừa qua, một số đối tượng đã giả danh cán bộ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân khi làm các thủ tục liên quan đến những chính sách này.

Cụ thể, anh N.T.T sống tại TP.HCM mới đây đã bị 1 đối tượng mạo danh nhân viên bảo hiểm xã hội hỗ trợ tạo nộp và giải quyết các loại hồ sơ bảo hiểm, với yêu cầu phí dịch vụ là 900.000 đồng. Anh N.T.T đã cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân và sổ bảo hiểm xã hội cho đối tượng. Đối tượng đã gửi lại cho nạn nhân hình ảnh giả mạo về việc tiếp nhận hồ sơ, đồng thời yêu cầu chuyển tiếp phí. Sau 2 lần chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng, nhắn tin hỏi kết quả nhưng không được phản hồi, anh N.T.T mới biết mình bị lừa.

lua dao truc tuyen tuan 17 4.jpg
Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện chỉ có 1 fanpage tại địa chỉ facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn đã được Facebook cấp tích xanh, người dân cần lưu ý để tránh vào các trang giả mạo. Ảnh minh họa: NCSC

Cục An toàn thông tin đề nghị người dân nâng cao cảnh giác; tự trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cũng như cập nhật thông tin về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mạng để tránh sập bẫy lừa đảo trực tuyến.

Cơ quan này cũng thông tin, trường hợp có vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính của ngành bảo hiểm xã hội, người dân có thể liên hệ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam qua số hotline ‘1900.9068’ hoặc số điện thoại ‘0243.7899999’ (trong giờ hành chính) để được hỗ trợ. 

Chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng từ chiêu lừa mượn danh quyên góp từ thiện

Đối tượng L.Đ.H trú tại TP.HCM vừa bị Công an thành phố Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sử dụng các tài khoản mạng xã hội ‘Một Lòng Hướng Phật - Ni Sư Chức Từ’, ‘Phật Pháp Nhiệm Màu - Ni Sư Nhân Độ’, ‘Ni sư Tâm Phúc’, ‘Phật Pháp Nhiệm Mầu - Ni Sư Tâm Hạ’…, đối tượng đã thường xuyên đăng tải hình ảnh những hoàn cảnh đáng thương cùng các bài viết kêu gọi quyên góp từ thiện vào nhiều tài khoản ngân hàng cá nhân. Với thủ đoạn này, đối tượng đã chiếm đoạt tiền từ thiện của nhiều người với tổng số lên tới hàng chục tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân cần tìm hiểu kỹ về các hoạt động từ thiện, hỗ trợ trên mạng xã hội. Để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện cần chọn các quỹ, chương trình từ thiện do nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời xử lý. 

Bà cụ đến MBBank yêu cầu chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản nước ngoài, nhân viên ngân hàng thấy dấu hiệu bất thường lập tức báo công an

Khởi tố một Giám đốc trốn thuế 5,8 tỷ đồng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/canh-bao-lua-dao-dat-nha-hang-dip-nghi-le-30-4-va-1-5-de-chiem-doat-tien-2275418.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cảnh báo lừa đảo đặt nhà hàng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 để chiếm đoạt tiền
    POWERED BY ONECMS & INTECH