Chứng khoán

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc 17.200 tỷ đồng cần được tháo gỡ vướng mắc và thực hiện trong tháng 10/2024

Hải Băng 06/09/2024 - 12:15

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc do Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư đang gặp vướng mắc về nguồn vốn cần được tháo gỡ sau khi Tập đoàn Hưng Thịnh và Tập đoàn Nam Miền Trung rút khỏi.

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66km qua hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, là một phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200km. Được liên danh Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Hưng Thịnh, và Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào năm 2020, dự án dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2025 nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc 17.200 tỷ đồng cần được tháo gỡ và thực hiện trong tháng 10/2024
Bản đồ tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đoạn Tân Phú - Liên Khương

Vốn đầu tư ban đầu được dự tính khoảng 17.200 tỷ đồng, với các ngân hàng và đối tác cam kết tài trợ. Tuy nhiên, do khó khăn tài chính, Hưng Thịnh và Nam Miền Trung đã không thể tiếp tục, chỉ còn Tập đoàn Đèo Cả theo đuổi dự án. Với tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 35% và thời gian thu phí kéo dài, việc thu hút đầu tư từ các tổ chức tài chính gặp khó khăn.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là đơn vị duy nhất cam kết cho vay, nhưng điều kiện cho vay yêu cầu vốn chủ sở hữu của dự án phải chiếm ít nhất 20% tổng mức đầu tư, trong khi luật PPP quy định tối thiểu là 15%. Sự không rõ ràng về quy định này khiến dự án gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Tập đoàn Đèo Cả đã kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong các dự án PPP và yêu cầu Ngân hàng VDB cam kết tài trợ vốn theo phương án tài chính đã được thẩm định. Đồng thời, trong trường hợp VDB không thể cấp tín dụng, Đèo Cả đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng như TPBank, BIDV, và Agribank tham gia đồng tài trợ.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng cần phối hợp với nhà đầu tư trong việc triển khai các trạm dừng nghỉ và áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) theo đúng quy định.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc 17.200 tỷ đồng cần được tháo gỡ và thực hiện trong tháng 10/2024
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị giải pháp giúp khơi thông dòng vốn cho dự án

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vào ngày 4/9, đại diện Đèo Cả đã nêu nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn và thủ tục. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và ngân hàng thương mại hỗ trợ tối đa để dự án được triển khai, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế trạm dừng nghỉ đồng bộ với dự án. Việc áp dụng mô hình BIM cũng là yêu cầu bắt buộc trong giai đoạn thực hiện dự án.

"Đây là dự án kết nối vùng rất quan trọng, do đó phải tháo gỡ và thực hiện trong tháng 10/2024 để kịp trình cơ quan có thẩm quyền về những điều chỉnh nhằm gỡ khó cho dự án. Việc tháo gỡ cho hai dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương sẽ tạo cơ chế pháp lý cho các dự án cao tốc tiếp theo" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương cùng báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi Nghị định 78 về vốn đầu tư nhằm tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được triển khai đúng tiến độ.

>> Khối nợ 33.445 tỷ đồng có đẩy 'vua đào hầm' Đèo Cả vào tình thế nguy hiểm?

Vì sao Top Chủ tịch thu nhập cao nhất Việt Nam vắng mặt nhiều 'ông lớn' như Vingroup, Hòa Phát, Thế Giới Di Động, FPT?

Bình Định lên tiếng về dự án 2.300 tỷ đồng bị khiếu nại vì bàn giao chậm 3 năm của FLC

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cao-toc-tan-phu-bao-loc-17200-ty-dong-can-duoc-thao-go-va-thuc-hien-trong-thang-102024-247879.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc 17.200 tỷ đồng cần được tháo gỡ vướng mắc và thực hiện trong tháng 10/2024
    POWERED BY ONECMS & INTECH