Khối nợ 33.445 tỷ đồng có đẩy 'vua đào hầm' Đèo Cả vào tình thế nguy hiểm?
Tại thời điểm ngày 30/6, Tập đoàn Đèo Cả có tổng nợ là 33.445 tỷ đồng, trong đó, nợ vay chiếm 21.044 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ nợ vay lớn là đặc thù của các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực BOT.
Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị phụ trách nhiều gói thầu quan trọng tại một loạt dự án cao tốc lớn đang được triển khai thi công xuyên lễ 2/9 như Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Chí Thạnh - Vân Phong, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Hà Giang – Tuyên Quang... vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 đã kiểm toán.
Tập đoàn Đèo Cả huy động hàng nghìn nhân sự, máy móc thi công xuyên lễ 2/9 tại nhiều dự án cao tốc |
Theo đó, doanh thu nửa đầu năm đạt 4.045 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 390 tỷ đồng, lần lượt tăng 111% và 27% so với cùng kỳ.
Tại ngày 30/6, quy mô tài sản của Tập đoàn là 47.524 tỷ đồng, tăng 1.114 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản mục lớn nhất là tài sản cố định, với giá trị 28.992 tỷ đồng (chiếm 61%), đến từ các dự án hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân cùng các công trình đường cao tốc đã hoàn thiện.
Đáng chú ý, khối tài sản lớn này được hình thành từ khoản nợ phải trả 33.445 tỷ đồng, gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay là 21.044 tỷ đồng (nợ vay dài hạn chiếm 92%), gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Riêng chi phí lãi vay trong 6 tháng đầu năm 2024 là 433 tỷ đồng, chiếm 11% tổng doanh thu.
Nợ lớn do đặc thù ngành
Lý giải về khoản nợ lớn, lãnh đạo Đèo Cả từng chia sẻ rằng đây là đặc thù của ngành. Đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực BOT, trước khi Luật PPP ra đời, quy định của Nhà nước yêu cầu vốn chủ sở hữu phải tham gia ở mức 10%, trong khi 90% còn lại là vốn vay. Tuy nhiên, sau khi Luật PPP ra đời, tỷ lệ vốn chủ sở hữu đã được nâng lên 15%.
Điều này dẫn đến việc giá trị các khoản vay của Đèo Cả trên sổ sách rất lớn. Tuy nhiên, trong hợp đồng BOT ký với Nhà nước, có một quy định rằng: "Lợi nhuận của nhà đầu tư luôn được đảm bảo với tỷ suất khoảng 11 - 11,5%. Đồng thời, các khoản vay, bao gồm cả lãi, gốc của ngân hàng, lợi nhuận nhà đầu tư và lãi nhà đầu tư, sẽ được hoàn trả bằng tiền thu phí."
Bởi tỷ lệ quy định vốn chủ sở hữu/vốn vay khi làm hạ tầng giao thông, BOT, các doanh nghiệp tham gia càng đầu tư sẽ càng nợ lớn.
Hình ảnh các hợp đồng vay dài hạn của Đèo Cả |
Báo cáo tài chính cho thấy Vietinbank - Chi nhánh Hà Nội hiện là chủ nợ lớn nhất của Đèo Cả với hạn mức vay 22.841 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ 15 đến 26 năm, tiếp theo là VietABank - Chi nhánh Hà Nội với hạn mức vay 1.149 tỷ đồng trong hơn 19 năm. Cả hai khoản vay đều được đảm bảo bằng quyền thu phí từ các dự án BOT.
Đặc trưng của các dự án BOT là trong giai đoạn đầu, doanh thu thường còn nhỏ và lãi suất rất cao do chưa trả được tiền gốc. Tuy nhiên, việc này đã được thỏa thuận theo phương án tài chính với ngân hàng.
Đèo Cả khẳng định rằng công ty không có nợ xấu, không chậm lãi, vì nguồn trả nợ chủ yếu đến từ nguồn thu phí hàng ngày. Vay nợ theo kế hoạch và có nguồn trả nợ rõ ràng.
Tìm nhà đầu tư cho dự án nhiệt điện khí 2,4 tỷ USD tại Nghệ An
Nhận định chứng khoán 4-6/9: Các CTCK đồng thuận xu hướng thị trường sau lễ