Cầu đi bộ nghìn tỷ đầu tiên bắc qua dòng sông biểu tượng tại đô thị đặc biệt của Việt Nam có chuyển động mới
Đơn vị vận hành tuyến tàu cao tốc TP. HCM - Vũng Tàu sẽ tạm dừng tuyến nhằm phục vụ việc thi công cây cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn.
Theo Báo Lao Động, Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP (GreenlinesDP) - đơn vị vận hành tuyến tàu cao tốc TP. HCM - Vũng Tàu cho biết, tuyến tàu sẽ tạm ngừng hoạt động từ ngày 5/5 để phục vụ thi công cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn tại khu vực bến Bạch Đằng (quận 1, TP. HCM).
Việc tạm dừng nhằm bàn giao cầu tàu số 2 cho đơn vị thi công dự án. Đây là cầu tàu dài 80m, rộng 9m, nằm dọc công viên bến Bạch Đằng và đã được GreenlinesDP thuê khai thác nhiều năm qua làm điểm đón trả khách cho tuyến tàu cao tốc đi Vũng Tàu.
GreenlinesDP cho biết, doanh nghiệp đã đề xuất một vị trí bến mới để tiếp tục vận hành tuyến tàu và hiện đang chờ sự chấp thuận của các cơ quan chức năng TP. HCM.

Trước đó, UBND Quận 1 đã yêu cầu GreenlinesDP dừng khai thác tại cầu tàu số 2 để hoàn trả mặt bằng. Doanh nghiệp hiện đang tháo dỡ và di dời các hạng mục liên quan.
Tuyến tàu cao tốc TP. HCM - Vũng Tàu được đưa vào vận hành từ năm 2018 với hành trình từ bến Bạch Đằng qua sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Ngã Bảy, bến Tắc Suất (Cần Giờ) và cập bến tại khu du lịch cáp treo Hồ Mây (TP. Vũng Tàu).
Mỗi ngày có từ 4-8 chuyến, cuối tuần tăng lên 10-12 chuyến để phục vụ nhu cầu du lịch.
Tuyến tàu giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. HCM đến Vũng Tàu còn khoảng 2 giờ, thay vì 3 giờ như đi bằng ôtô.
Trong thời gian tạm ngưng, hành khách sẽ phải sử dụng các phương tiện thay thế như xe khách, ô tô cá nhân hoặc chờ thông báo mới khi tuyến tàu được khôi phục tại bến mới.
Được biết, cây cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn - nối trung tâm Quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng do CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood tài trợ và đã được khởi công vào cuối tháng 3/2025.
Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn được xây dựng với điểm đầu tại khu vực Công viên Bến Bạch Đằng (quận 1), gần phố đi bộ Nguyễn Huệ, và điểm cuối tại Công viên bờ sông thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức).
Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn có tổng chiều dài 720m, chiều rộng thay đổi từ 6 đến 11m. Đặc biệt, nhịp chính của cầu là kết cấu vòm treo dây văng dài 187m, độ tĩnh không thông thuyền đạt 80x10m, đảm bảo cho tàu thuyền qua lại thuận tiện.
Đây được xem là cầu bộ hành đầu tiên tại Việt Nam, áp dụng kết cấu vòm thép không gian - một giải pháp kỹ thuật tiên tiến, giúp công trình trở thành một trong những cầu đi bộ độc đáo trên thế giới.
Sông Sài Gòn có chiều dài khoảng 251km, bắt nguồn từ tỉnh Bình Phước, chảy qua Tây Ninh, Bình Dương và TP. HCM; đây là một trong những dòng sông quan trọng nhất khu vực Nam Bộ, chảy qua lòng TP. HCM và trở thành biểu tượng không thể tách rời với sự phát triển và văn hóa của TP.
Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên. Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.
Tái khởi động cây cầu dây văng có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam sau nhiều năm đứng hình
Chỉ một năm nữa, sẽ có thêm 6 cây cầu nối nhịp giao thương giữa 2 tỉnh giàu có bậc nhất Việt Nam