Công trình đất nước Cuba giúp đỡ Việt Nam xây dựng: Tọa lạc giữa núi rừng hùng vĩ miền Trung, từng bị sập do mưa lũ lịch sử
Cầu treo này đã nhiều lần nhận được sự trợ giúp của “người anh em” Cuba và là minh chứng sống động cho tình bạn thủy chung giữa 2 quốc gia.
Cầu treo Đakrông bắc qua sông Đakrông trên tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị không chỉ là công trình giao thông quan trọng mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia Việt Nam và Cuba.
Cầu Đakrông giữ vai trò chiến lược khi kết nối tuyến đường 14 với Quốc lộ 9, mở ra trục vận tải huyết mạch từ Quảng Trị đi A Lưới (TP. Huế) và tiếp nối vào các tỉnh ở Tây Nguyên như Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đây là tuyến đường chi viện quan trọng về sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đi xuyên qua núi rừng hùng vĩ và hiểm trở.

Sau năm 1975, với sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ Cuba, cầu treo Đakrông dài 100m, rộng 6m được xây dựng thay thế cho cây cầu sắt cũ, trở thành biểu tượng sống động của tình bạn keo sơn Việt Nam - Cuba giữa thời bình. Tuy nhiên, đến năm 1999, cây cầu bị sập do ảnh hưởng của mưa lũ lịch sử và thời gian khai thác kéo dài.
Năm 2000, một lần nữa với sự hỗ trợ từ Chính phủ Cuba cùng các Bộ, ngành Trung ương, cầu treo Đakrông được xây dựng lại quy mô hơn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi phía Tây Quảng Trị. Cho đến hôm nay, cây cầu vẫn được người dân địa phương nhắc đến như một dấu ấn hữu nghị thắm thiết giữa hai quốc gia.
Cầu treo Đakrông là một phần trong quần thể trong Khu di tích - danh thắng Đakrông. Đây vì thế không chỉ là công trình giao thông, mà còn là điểm đến không thể bỏ qua với nhiều du khách khi đến với khu di tích, danh thắng này.

Hiện tại, sau hơn 20 năm khai thác, cầu treo Đakrông tại Km249+824 tuyến Hồ Chí Minh nhánh Tây hiện đã không còn đáp ứng yêu cầu vận tải. Cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn H18-X60, trong khi lưu lượng phương tiện nặng, đặc biệt là xe container, sơmi rơ-moóc phục vụ vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam để xuất khẩu (ước tính 20–30 triệu tấn/năm) ngày càng gia tăng.
Hiện cơ quan quản lý đường bộ đã phải cắm biển hạn chế tải trọng, cấm các phương tiện vượt quá mức cho phép, đồng thời tổ chức phân luồng xe tải nặng theo hướng Hồ Chí Minh nhánh Tây đi Quốc lộ 49C (TP. Huế), sau đó nối về Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9. Việc này làm tăng quãng đường vận chuyển từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến các cảng biển trong vùng, kéo theo chi phí logistics tăng cao cho doanh nghiệp.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét đầu tư xây dựng cầu mới bằng kết cấu bê tông cốt thép nhằm đảm bảo đồng bộ tải trọng trên tuyến. Cây cầu mới sẽ không chỉ rút ngắn cự ly vận chuyển từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến các cảng biển tại Quảng Trị và Quảng Bình, mà còn góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa khu vực, mở rộng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước láng giềng.