Xã hội

Cha mẹ lưu ý: Những tên gọi không được pháp luật chấp nhận khi đăng ký khai sinh cho con

Vĩ Hạ 26/09/2024 - 15:35

Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ những trường hợp tên bị hạn chế, tức là tên trong trường hợp này sẽ không được chấp nhận.

Việc đặt tên cho con hiện nay đã có nhiều thay đổi, thể hiện quan điểm, nhận thức đa dạng của người đứng ra khai sinh. Những tên gọi theo phong cách cũ, mặc định con trai có đệm là “Văn” và con gái có đệm là “Thị” đã dần dần được thay thế bằng những tên gọi độc đáo, ý nghĩa.

Khoản 1 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

Về việc đặt tên, Khoản 3 Điều 26 của luật này có nêu rõ những trường hợp tên bị hạn chế, tức là tên trong trường hợp này sẽ không được chấp nhận. Ngoài ra, Thông tư 04/2020/TT-BTP cũng có quy định về việc đặt tên.

Giấy khai sinh là giấy tờ có giá trị pháp lý quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Ảnh minh họa

Giấy khai sinh là giấy tờ có giá trị pháp lý quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Ảnh minh họa

Dưới đây là các kiểu tên không được đăng ký khai sinh:

Tên xâm phạm đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người khác

Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự có quy định việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Tuy nhiên, luật chỉ quy định chung nhưng chưa có hướng dẫn thêm về biểu hiện nào được coi là xâm phạm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người khác.

Tên trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

Cũng theo Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự, việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của bộ luật này. Cụ thể, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định như sau:

1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về nội dung khai sinh cũng nhắc tới việc xác định họ tên. Theo đó, việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam.

Không đặt tên con bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam

Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự còn quy định tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam. Theo đó, nếu con sinh ra mang quốc tịch Việt Nam thì phải đặt tên con bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam.

Trường hợp con có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người còn lại là công dân nước ngoài thì vẫn phải đặt tên con theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp con sinh ra mang quốc tịch nước ngoài.

Đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ

Theo Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự, việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ cũng không được chấp nhận.

Đặt tên quá dài, khó sử dụng

Khoản 1 Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định không đặt tên quá dài, khó sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về giới hạn độ dài của tên.

Trước đây, Dự thảo Bộ luật Dân sự từng có đề xuất giới hạn đặt tên cá nhân trong 25 ký tự. Tuy nhiên, đề xuất này không được thông qua. Do đó, Bộ luật Dân sự hiện hành không có quy định về việc giới hạn số ký tự trong tên cá nhân.

>> Đề xuất lương giáo viên cao nhất, giáo viên mầm non có thêm đãi ngộ

Hai bộ trưởng trả lời vấn đề học sinh nêu tại phiên họp 'Quốc hội trẻ em'

Xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh có niên hạn sử dụng không vượt quá 20 năm?

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cha-me-luu-y-nhung-ten-goi-khong-duoc-phap-luat-chap-nhan-khi-dang-ky-khai-sinh-cho-con-d134162.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cha mẹ lưu ý: Những tên gọi không được pháp luật chấp nhận khi đăng ký khai sinh cho con
    POWERED BY ONECMS & INTECH