Chặn dòng tiền quảng cáo YouTuber, TikToker có hành vi xấu xí, lệch chuẩn
Nếu có phát ngôn, hành động xấu xí, không chuẩn mực trên mạng, những người nổi tiếng, các YouTuber, TikToker sẽ phải đối mặt với việc bị đại lý quảng cáo, nhãn hàng quay lưng.
Việt Nam đang làm tốt việc chặn dòng tiền quảng cáo bẩn
Bộ TT&TT đã mạnh tay xử lý nhiều nền tảng, đại lý xuyên biên giới đặt quảng cáo vào những trang web vi phạm bản quyền, nội dung bẩn,... Động thái cứng rắn này khiến việc chặn dòng tiền quảng cáo chảy vào túi những kênh, trang tin xấu độc ngày càng khởi sắc.
Theo Cục Phát thanh, truyền hình & thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT), các đơn vị chức năng của Bộ đã làm được việc quan trọng, đó là ngăn chặn được dòng tiền quảng cáo vào các kênh xấu độc trên không gian mạng và các nền tảng xuyên biên giới.
Không chỉ Facebook, hiện cả YouTube, TikTok đều đã hợp tác chặt chẽ với Bộ TT&TT. Số lượng các kênh YouTube bị ngăn chặn đã cao gấp 5 lần so với năm 2022. Trên nền tảng TikTok, con số này là hàng trăm tài khoản.
Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do cho hay, cơ quan quản lý đã truyền đi thông điệp rõ ràng tới các nhà sáng tạo nội dung. Đó là làm nội dung "bẩn" chắc chắn sẽ bị ngăn chặn và không nhận được tiền quảng cáo.
Các đại lý, công ty quảng cáo và các nhãn hàng đã hợp tác mạnh mẽ với Cục PTTH&TTĐT trong việc dừng đăng quảng cáo trên các nội dung vi phạm. Ngay cả những KOL (người có sức ảnh hưởng), TikToker, Content Creator (nhà sáng tạo nội dung) đăng tải nội dung nhảm nhí, câu view, khi có chỉ đạo, định hướng của Cục PTTH&TTĐT, các nhãn hàng cũng sẽ quay lưng.
Trong năm 2023, hoạt động phối hợp này đã được triển khai trên thực tế một cách nhịp nhàng. “Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng không hiểu tại sao tự nhiên các nhãn hàng, đại lý quảng cáo không hợp tác với mình. Đó là bởi họ có những phát ngôn, hành động xấu xí, không chuẩn mực, lệch chuẩn trên không gian mạng. Điều này khiến họ bị các nhãn hàng đưa vào danh sách không hợp tác nữa”, ông Lê Quang Tự Do nói.
Mạng quảng cáo nước ngoài phải chung tay cùng cơ quan quản lý
Trao đổi với VietNamNet, một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến cho biết, Bộ TT&TT đã gửi danh sách White List (nội dung được xác thực khuyến nghị quảng cáo) và Black List (nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật yêu cầu không quảng cáo) cho các nền tảng, đại lý quảng cáo.
Về mặt kỹ thuật, việc ngăn chặn nội dung quảng cáo trên các trang web, tài khoản nội dung độc hại không khó, nhất là khi đã có sẵn danh sách nguồn nội dung xấu độc.
Với các nền tảng quảng cáo và agency Việt Nam, chỉ cần cơ quan quản lý công bố danh sách Black List, các đơn vị này sẽ có căn cứ để triển khai. Tuy nhiên, đối với các nền tảng, agency nước ngoài, điều này khó thực hiện hơn. Tính phối hợp của các nền tảng nước ngoài hiện không bằng các nền tảng trong nước.
Theo vị chuyên gia này, các ad network (mạng quảng cáo) nước ngoài ngồi ở bất kỳ nước nào cũng có thể chạy quảng cáo target (nhắm mục tiêu) vào thị trường Việt Nam. Do vậy, để ngăn chặn việc các nội dung quảng cáo bị đặt vào các nội dung xấu độc, cần có sự chung tay phối hợp của các nền tảng mạng quảng cáo xuyên biên giới.
“Doanh thu tại thị trường Việt Nam của Google, Facebook trị giá cả tỷ USD. Với mức doanh thu lớn như vậy, những doanh nghiệp này đều muốn làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Chúng ta có thể học tập mô hình các nước châu Âu, doanh nghiệp nào làm sai sẽ bị xử phạt. Khi mất tiền, tự doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh hành vi của mình", chuyên gia đặt vấn đề.
>> TikTok đâm đơn kiện ngược, cáo buộc Quốc hội Mỹ 'vi hiến' khi hạn chế quyền tự do ngôn luận