Tài chính quốc tế

Châu Âu sẽ tăng trưởng ì ạch do ECB quá ‘chậm chân’ trong việc hạ lãi suất?

Vũ Bấc 08/01/2025 - 08:12

Nhiều nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Financial Times chỉ trích Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về tốc độ điều chỉnh lãi suất quá chậm trong bối cảnh kinh tế Eurozone đang trì trệ.

Theo khảo sát, 46% trong tổng số 72 nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Financial Times đánh giá ECB đang "lạc hậu" so với diễn biến kinh tế, trong khi 43% cho rằng chính sách tiền tệ hiện tại "đúng hướng". Đáng chú ý, không một chuyên gia nào nhận định ECB đang "đi trước thời đại".

Kể từ tháng 6, ECB đã 4 lần hạ lãi suất từ 4% xuống 3% do lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế khu vực vẫn tiếp tục xấu đi. Chủ tịch Christine Lagarde thừa nhận cần tiếp tục giảm lãi suất trong năm tới.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng Eurozone năm 2025 chỉ đạt 1,2%, thấp hơn đáng kể so với mức 2,2% của Mỹ. Các nhà kinh tế được FT khảo sát thậm chí còn bi quan hơn khi dự đoán con số này chỉ đạt 0,9%.

Chênh lệch tốc độ phục hồi kinh tế này có thể dẫn đến khoảng cách lớn về lãi suất giữa hai bờ Đại Tây Dương vào cuối năm tới. Trong khi Fed dự kiến chỉ giảm lãi suất hai lần, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm, thị trường kỳ vọng ECB sẽ thực hiện 4-5 đợt cắt giảm tương tự từ nay đến cuối năm 2025.

Châu Âu sẽ tăng trưởng ì ạch do ECB quá ‘chậm chân’ trong việc hạ lãi suất? - ảnh 1
ECB đã cắt giảm lãi suất bốn lần kể từ tháng 6/2024 khi lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến

Giáo sư Eric Dor thuộc Trường Quản lý ÍESEG (Paris) nhận định rủi ro suy giảm tăng trưởng tại Eurozone đang gia tăng rõ rệt. Theo ông, việc ECB chậm trễ trong điều chỉnh lãi suất đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đồng thời khả năng lạm phát giảm xuống dưới mục tiêu 2% ngày càng cao.

Trong khi đó, TS. Karsten Junius, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng J Safra Sarasin, chỉ ra rằng quy trình ra quyết định của ECB kém linh hoạt hơn so với Fed và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ. Nguyên nhân được cho là do phong cách lãnh đạo thiên về đồng thuận của Chủ tịch Christine Lagarde và đa số các thành viên trong hội đồng ECB.

Erik Nielsen, Chuyên gia kinh tế trưởng UniCredit, cho rằng ECB cần nhanh chóng hạ lãi suất thay vì thực hiện từng bước nhỏ, đặc biệt khi rủi ro về kỳ vọng lạm phát đã giảm đáng kể. Ông nhấn mạnh chính sách tiền tệ hiện vẫn quá thắt chặt dù lạm phát đã có dấu hiệu cải thiện.

Châu Âu sẽ tăng trưởng ì ạch do ECB quá ‘chậm chân’ trong việc hạ lãi suất? - ảnh 2
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde

Tại cuộc họp tháng 12, Chủ tịch Lagarde lần đầu tiên công khai khả năng giảm lãi suất trong năm 2024, một động thái phù hợp với dự đoán của giới đầu tư và phân tích. Tuy nhiên, bà không đề cập cụ thể về thời điểm và mức độ điều chỉnh, chỉ khẳng định ECB sẽ quyết định dựa trên từng cuộc họp.

Theo khảo sát của Financial Times với 72 nhà kinh tế, lạm phát tại Khu vực đồng euro dự kiến sẽ giảm xuống 2,1% trong năm tới, sát với mục tiêu của ECB. Đến năm 2026, lạm phát được dự báo đạt mức 2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của ECB.

Về chính sách tiền tệ, đa số chuyên gia cho rằng ECB sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong năm 2025, với mức giảm thêm 1% xuống còn 2% đối với lãi suất tiền gửi. Chỉ 19% số người được hỏi kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ có đợt cắt giảm tiếp theo vào năm 2026.

Dự báo này được đánh giá là thận trọng hơn so với kỳ vọng của thị trường. Trong số 72 chuyên gia tham gia khảo sát, chỉ 27 người dự đoán lãi suất sẽ giảm xuống mức 1,75-2% như kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Willem Buiter, cựu Kinh tế trưởng Citi và hiện là cố vấn kinh tế độc lập, có quan điểm ngược lại. Ông cho rằng mức lãi suất 3% hiện nay của ECB là "quá thấp", dẫn chứng bằng lạm phát cơ bản vẫn ở mức 2,7% - cao hơn nhiều so với mục tiêu, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp kỷ lục 6,3%.

Đáng chú ý, cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng Pháp đã vượt qua Ý để trở thành quốc gia có nguy cơ cao nhất về đợt bán tháo trái phiếu chính phủ trong khu vực. Thị trường Pháp gần đây chịu áp lực lớn sau cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến đề xuất cắt giảm thâm hụt ngân sách của cựu Thủ tướng Michel Barnier vào tháng 12/2024.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong nhận định về rủi ro thị trường trái phiếu khu vực đồng euro. 58% chuyên gia được hỏi bày tỏ lo ngại về Pháp, trong khi chỉ 7% đề cập đến Ý. Con số này đánh dấu sự thay đổi lớn so với hai năm trước, khi 90% số người được hỏi cho rằng Ý là quốc gia rủi ro nhất.

Ulrike Kastens, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty quản lý tài sản DWS của Đức, vẫn lạc quan về khả năng kiểm soát tình hình hiện tại. Bà cho rằng so với cuộc khủng hoảng nợ công những năm 2010, ECB hiện có nhiều công cụ can thiệp hơn.

Đáng chú ý, chỉ 19% chuyên gia dự báo ECB sẽ phải sử dụng Công cụ bảo vệ truyền tải (TPI) - một biện pháp mua trái phiếu khẩn cấp - trong năm tới. Bill Diviney, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại Ngân hàng ABN AMRO, nhận định dù thị trường trái phiếu Pháp có thể biến động, ECB sẽ đặt ra ngưỡng kích hoạt TPI rất cao.

Theo Financial Times (FT)

>> Những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của châu Âu năm 2025

Châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn cả thiếu năng lượng

Quan chức Fed cảnh báo nguy cơ lạm phát tăng mạnh, lãi suất tiếp tục neo cao

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chau-au-se-tang-truong-i-ach-do-ecb-qua-cham-chan-trong-viec-ha-lai-suat-134091.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Châu Âu sẽ tăng trưởng ì ạch do ECB quá ‘chậm chân’ trong việc hạ lãi suất?
    POWERED BY ONECMS & INTECH