Chi 17 tỷ đồng gia cố di tích ‘mẹ bồng con’ hai lần bị sét đánh
Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã gửi tờ trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thẩm định dự án bảo tồn, gia cố di tích Hòn Vọng Phu thuộc Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi), phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa.
Hòn Vọng Phu là một ngọn núi đá vôi khổng lồ, đứng thẳng, bên cạnh là một khối đá khác nhỏ hơn. Hai khối đá này nhìn từ xa trông như hình tượng người mẹ hóa đá đang bồng con.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, Hòn Vọng Phu được cấu tạo từ đá vôi và bị phong hóa, nứt nẻ qua thời gian. Theo kết quả khảo sát, tại khu vực này có các tầng đất tàn tích, sườn tích và nhiều khối đá nứt vỡ dày trên bề mặt.
Ngoài ra, di tích này đã từng hai lần bị sét đánh; đồng thời chịu tác động từ hoạt động khai thác đá, nổ mìn xung quanh, gây rung chấn khiến các vết nứt ngày càng mở rộng.
Vì vậy, để đảm bảo sự bền vững và an toàn của Hòn Vọng Phu, dự án gia cố này sẽ được áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng độ cứng, ổn định và chống chịu tác động của thời tiết, môi trường xung quanh.
Kinh phí thực hiện dự án là 17 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành trước ngày 30/4.
>>Tỉnh đông dân nhất Việt Nam thu về 570 tỷ đồng từ du lịch trong dịp Tết Ất Tỵ 2025
![]() |
Tỉnh Thanh Hóa dự chi 17 tỷ đồng để gia cố di tích Hòn Vọng Phu - Ảnh: Báo điện tử Công lý |
Trước đó, vào cuối năm 2023, khi Hòn Vọng Phu bị sét đánh nhiều lần, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tổ chức "Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn di tích thắng cảnh Hòn Vọng Phu".
Tháng 5/2024, hệ thống cột thu lôi chống sét đã được UBND thành phố Thanh Hóa xây dựng ngay cạnh di tích với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng.
Đến tháng 9/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đã ký ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp bảo tồn, gia cố di tích này.
Hòn Vọng Phu còn gọi là Vọng Phu Thạch, là cột đá cao khoảng 20m trên núi Nhồi, cách trung tâm TP Thanh Hóa 3 km về phía Tây Nam. Xung quanh Hòn Vọng Phu có quần thể di tích cổ như chùa Tiên Sơn, chùa Báo Ân, Lăng Quận Mãn... Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1992.
>>Động thái mới nhất của tuyến cao tốc hơn 36.000 tỷ đồng nối ‘rừng vàng biển bạc’ của Việt Nam