Doanh nghiệp

Chỉ còn 19 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp

Quang Dương 28/10/2024 - 09:56

Trong năm 2023, số người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp đạt hơn 768.000 người.

Mới đây, theo thông tin từ Bộ Công Thương, cả nước hiện chỉ còn 19 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn tồn tại, giảm 48 doanh nghiệp so với năm 2016.

Trong năm 2023, số người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp đạt hơn 768.000 người, tăng gần 61.000 người so với năm 2017. Tuy nhiên, doanh thu ngành này đã giảm 20% so với năm 2022, từ 21.110 tỷ đồng xuống còn 16.866 tỷ đồng, trong đó 90% doanh thu đến từ thực phẩm chức năng.

Các doanh nghiệp đa cấp cũng đã đóng góp khoảng 2.255 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách Nhà nước.

Chỉ còn 19 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp
Trong năm 2023, số người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp đạt hơn 768.000 người

>> Bất ngờ với doanh thu của công ty bán hàng đa cấp lớn nhất Việt Nam

Dù thị trường đa cấp từng phát triển với hàng trăm doanh nghiệp, đến nay chỉ còn một số thương hiệu quen thuộc như Amway, Oriflame, và Herbalife được người tiêu dùng biết đến.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp vẫn chưa xây dựng được cơ chế khuyến khích người tham gia tập trung vào việc bán lẻ sản phẩm ra thị trường, thay vào đó tại một số doanh nghiệp, phần lớn hoa hồng lại tập trung vào hoa hồng đội nhóm chứ không dành cho nỗ lực bán hàng của từng cá nhân.

Do đó, người tham gia bán hàng đa cấp tại các doanh nghiệp này thường chú trọng vào việc xây dựng hệ thống nhằm nâng cao doanh số tổng thể, từ đó gia tăng thu nhập cho bản thân.

Đặc biệt, hàng hóa chủ yếu được mua bởi chính những thành viên trong hệ thống, nhằm đáp ứng các điều kiện xét cấp bậc hoặc đủ tiêu chí để nhận hoa hồng.

Để giúp người tham gia nhanh chóng đạt cấp bậc, một số doanh nghiệp đã tung ra các gói sản phẩm có giá trị lớn, lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, để người tham gia mua trong 1 lần, trong 1 đơn hàng hay trong một kỳ tính thưởng mà không quan tâm đến việc người mua có nhu cầu sử dụng hay không, có thể bán được hàng hay không.

"Với mô hình này, nhiều người tham gia có xu hướng kêu gọi tuyến dưới của mình, hoặc các thành viên mới chưa hiểu biết rõ về hệ thống, mua hàng với số lượng lớn để đạt cấp bậc, từ đó đem lại hoa hồng cho cả người mua và tuyến trên", Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhận định.

Kết quả là hoạt động bán hàng thực tế trở nên mờ nhạt, trong khi hoạt động đầu tư và đầu cơ có xu hướng phát triển. Xét tổng thể, đây không còn tập trung vào việc bán hàng thực sự mà chủ yếu tập trung vào hoạt động xây dựng hệ thống, người tham gia tự mua hàng để tạo ra hoa hồng cho nhau, tuyến dưới mua hàng để nuôi tuyến trên.

Việc hàng hóa không được bán ra thị trường mà chủ yếu lưu thông nội bộ trong hệ thống dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho cả doanh nghiệp lẫn người tham gia bán hàng đa cấp.

Bộ Công Thương cho biết bán hàng đa cấp là ngành nghề hợp pháp, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo và huy động tài chính bất hợp pháp, gây hệ lụy lớn cho xã hội.

Do đó trong thời gian qua, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm chấn chỉnh và đảm bảo hoạt động bán hàng đa cấp tuân thủ pháp luật.

>> Mạnh tay xử lý kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo

Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi từng thấy hội bán hàng đa cấp quá giỏi, tôi quyết định đi học và khâm phục kinh khủng

Lộ diện 12 doanh nghiệp được bán hàng đa cấp tại Hải Dương

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chi-con-19-doanh-nghiep-ban-hang-da-cap-dang-hoat-dong-hop-phap-256390.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chỉ còn 19 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp
    POWERED BY ONECMS & INTECH