Chi tiết phương án cầu Thủ Thiêm 4 thiết kế đặc biệt có thể nâng hạ 45m
Cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư 6.030 tỉ đồng, dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2025 - 2028 và có thiết kế nâng hạ độc đáo.
Chiều 4/12, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã trình UBND TP.HCM kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo Sở Giao thông vận tải, cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn, nối quận 7 và TP Thủ Đức. Điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại khu vực giao với đường dẫn cầu Tân Thuận 2, quận 7. Điểm cuối kết nối với đường Nguyễn Cơ Thạch tại nút giao đường R4, TP Thủ Đức. Cầu thiết kế với quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp). Phần cầu dài hơn 1,6km, quy mô 6 làn xe, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp.
>> Tính toán xây cầu Thủ Thiêm 4 kinh phí 5.300 tỷ đồng theo dạng cầu quay
Điểm đặc biệt trong thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 là có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45m giúp các tàu lớn như tàu khách quốc tế lưu thông trên sông Sài Gòn để vào trung tâm TP. Cầu khi hoạt động tĩnh là 15m, và khi có tàu lớn đi qua, phần dầm cầu dài 80 m sẽ được nâng lên 45m.
Kiến trúc độc đáo, hài hòa và với kết cấu phù hợp sẽ là điểm nhấn thu hút du lịch, tạo thuận lợi cho việc khai thác bến tàu khách quốc tế trên sông Sài Gòn.
>> TP. HCM tìm kiếm nhà đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4
Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 được TP xác định là dự án trọng điểm, cấp bách, cần ưu tiên đầu tư để dần đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Sau khi cây cầu này hình thành, sẽ giảm áp lực giao thông cho trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - đường Lưu Trọng Lư - đường Bến Nghé, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Khu công nghiệp Tân Thuận...
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 có diện tích 16,7ha, trong đó diện tích đất thu hồi khoảng 2,5ha; diện tích nhà, vật kiến trúc khoảng 3,1ha. Dự kiến, cầu Thủ Thiêm 4 ảnh hưởng đến 134 trường hợp (gồm 12 tổ chức và 114 hộ dân), kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 1.387 tỉ đồng do nhà nước chi trả.
Dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT(xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Tổng mức đầu tư sơ bộ dự án khoảng 6.030 tỉ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng 320 tỉ đồng). Trong cơ cấu tổng mức đầu tư, ngân sách thành phố khoảng 2.826 tỉ đồng còn nhà đầu tư 2.883 tỉ đồng. Riêng cấu phần xây lắp khoảng 4.322 tỉ đồng.
Dự kiến năm 2025 sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thiết kế và thi công trong 3 năm, đưa vào vận hành và thu phí từ năm 2028. Mức phí tùy theo phương tiện, chia thành 5 nhóm, thấp nhất 15.000 đồng/lượt đối với nhóm 1 và cao nhất là 80.000 đồng/lượt đối với nhóm 5.
>> Chuyên gia Savills nói gì về về vai trò của Cầu Thủ Thiêm 2
TP.HCM tiếp nhận công trình cầu đi bộ 1.000 tỷ tài trợ từ doanh nghiệp
Cầu đi bộ nghìn tỷ bắc sông Sài Gòn là công trình biểu tượng để lại cho đời sau