Chiêm ngưỡng 'chim sắt' hiện đại hàng đầu thế giới của Không quân Việt Nam, có thế bám địa hình tốt như máy bay cường kích
Đây là máy bay huấn luyện phản lực, đồng thời có thể làm nhiệm vụ của một chiến đấu cơ thực thụ trong không chiến, trinh sát và tấn công hạng nhẹ.
Máy bay Yak-130 được Không quân Nga coi như loại máy bay xương sống của các trường đào tạo phi công chiến đấu và sau đó là chuyển loại lên những dòng tiêm kích đời cao như MiG-29, MiG-35, Su-30, Su-34, Su-35... và cả tiêm kích tàng hình Su-57 tối tân.
Cuối năm 2021, biên đội 12 chiếc máy bay huấn luyện hiện đại Yak-130 do Tổ hợp chế tạo hàng không Irkut (Nga) chế tạo đã được trang bị cho Trung đoàn Không quân 940 (Trường sĩ quan Không quân), thuộc biên chế Không quân Nhân dân Việt Nam.
Yak-130 là loại máy bay huấn luyện 2 động cơ phản lực tiên tiến, có hai chỗ ngồi. Máy bay được trang bị thêm các giá treo vũ khí ở hai bên cánh, nên đây cũng là máy bay chiến đấu hạng nhẹ với khả năng trinh sát và tấn công vừa phải.
Loại máy bay huấn luyện này được đánh giá sẽ thay thế dòng máy bay huấn luyện L-39, dòng máy bay huấn luyện phản lực cận âm được biên chế vào của Không quân nhân dân Việt Nam năm 1980 và sắp hết niên hạn sử dụng vào năm 2025.
Máy bay Yak-130 khá nhỏ gọn với chiều dài 11m; vận tốc tối đa của máy bay là 1.050km/h; tầm bay: 2.546km; trần bay tối đa: 12.500m. Khối lượng cất cánh tối đa của Yak-130 chỉ 9 tấn (so với SU-30MK2 là 34 tấn).
Sự khác nhau giữa Yak-130 và L-39 hay Yak-52 chính là hệ thống điều khiển; nếu như L39 và Yak-52 sử dụng hệ điều khiển cơ thì Yak-130 sử dụng điều khiển từ xa, kết hợp với công nghệ điện tử. Với tính năng đó, may bay có thể đảm bảo khả năng cơ động, kỹ chiến thuật của máy bay và thao tác các bài phức tạp của phi công trong không gian hạn chế.
Điểm đặc biệt của Yak-130 là ngoài chức năng huấn luyện, còn có thể hoạt động như một máy bay chiến đấu với khả năng trinh sát và tấn công vừa phải. Yak-130 được trang bị một buồng lái cùng hệ thống điều khiển tân tiến nhất hiện nay, không những mô phỏng được tính năng chiến đấu của máy bay thế hệ 4, thế hệ 5 mà còn mô phỏng được tính năng của một số loại máy bay chiến đấu của Nga và cả châu Âu.
Yak-130 là loại máy bay phản lực cận âm được vũ trang sẽ là giải pháp tối ưu về chi phí, phản ứng nhanh trong trường hợp cần chi viện hỏa lực bằng không quân. Vũ khí máy bay mang theo có thể dễ dàng tiêu diệt tàu đổ bộ, bộ binh, xe thiết giáp, trực thăng, máy bay vận tải và máy bay không người lái... Có khả năng bay thấp bám địa hình tốt, vốn là đặc tính quan trọng của máy bay cường kích.
Đây được coi là một trong những dòng máy bay huấn luyện đa năng hàng đầu thế giới hiện nay, bên cạnh những dòng máy bay nổi tiếng như M-346 Master hay T-50 Golden Eagle. Yak-130 cũng có thể tương thích và sử dụng được các loại vũ khí hàng không hiện đại được trang bị trên các dòng máy bay chiến đấu của Nga hiện nay.
Với những tính năng trên, theo các phi công, Yak-130 sẽ giúp học viên rút ngắn thời gian thực hành và huấn luyện và có thể bay chuyển loại sang các dòng Su-27, Su-30 sớm hơn. Cho đến hiện tại, toàn bộ giảng viên, phi công và nhân viên kỹ thuật của Trung đoàn 940 đã làm chủ loại máy bay huấn luyện đa năng mới Yak-130. Trong năm 2022, Trung đoàn 940 đã tổ chức thành công 3 đợt bắn, ném thành công với Yak-130.
Trung Quốc dồn lực chế tạo máy bay thương mại nhằm giảm phụ thuộc vào Boeing, Airbus
Công ty cho thuê máy bay duy nhất tại Việt Nam bất ngờ báo lãi 'khủng'