Chính phủ chỉ đạo 'gỡ khó' cho dự án sân bay lớn nhất Việt Nam, yêu cầu 'về đích' sớm
Văn phòng Chính phủ mới ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về tiến độ của dự án sân bay lớn nhất Việt Nam, theo đó yêu cầu hoàn thành sớm một số hạng mục đang triển khai chậm so với dự kiến.
Văn phòng Chính phủ mới đây đã ban hành Thông báo số 306/TB-VPCP ngày 9/7/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Tổ công tác Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo như thông báo nêu: Hiện nay các hạng mục công trình quan trọng của Dự án thuộc Dự án thành phần 2 và Dự án thành phần 3 do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư đang thi công đạt và vượt tiến độ theo hợp đồng.
Thay mặt Tổ công tác, Phó Thủ tướng biểu dương biểu dương tinh thần cố gắng và nỗ lực của các chủ đầu tư trong việc triển khai các dự án thành phần, gói thầu đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nêu thực trạng một số công trình Dự án thành phần 1 thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chưa được bố trí vốn, chưa đấu thầu lựa chọn nhà thầu.
Dự án thành phần 4 hiện đang triển khai rất chậm, chưa có phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khả thi dẫn đến nguy cơ không hoàn thành kịp tiến độ làm ảnh hưởng đến hoạt động của cảng hàng không, khiến lãng phí chi phí đầu tư.
>> Tỉnh sở hữu sân bay 5.800 tỷ nuôi tham vọng trở thành 'thủ phủ' của ASEAN trong lĩnh vực này
Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và địa phương liên quan triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn đọng gồm:
1. Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân (UBND) Đồng Nai khẩn trương hoàn thành dứt điểm công tác thu hồi đất, bàn giao mặt bằng đối với diện tích còn lại, yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/7/2024.
UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hướng dẫn Cảng vụ hàng không miền Nam trong việc lập hồ sơ xin giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần diện tích còn lại giai đoạn 1.
2. Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long thành giai đoạn 1
- Dự án thành phần 1 (Trụ sở các cơ quan quản lý Nhà nước): Bộ GTVT làm việc với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan cần khẩn trương đầu tư xây dựng Trạm kiểm dịch y tế và Trạm kiểm dịch động/thực vật với quy mô phù hợp, đảm bảo đúng quy hoạch và đúng chức năng của công trình.
Đối với các công trình cần thiết cho hoạt động của cảng hàng không nhưng chưa có trong quy hoạch và dự án đầu tư được phê duyệt, Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền trước ngày 15/7/2024.
- Dự án thành phần 4 (Các công trình khác): Dự án thành phần 4 gồm các công trình rất quan trọng của cảng hàng không, liên quan trực tiếp đến an toàn kỹ thuật và vận hành, khai thác đảm bảo đúng với quy mô và vai trò của cảng hàng không quốc tế.
Việc đầu tư trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay cần đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ, năng lực, quản trị theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Tổ trưởng Tổ công tác đã có nhiều chỉ đạo cụ thể nhằm giải quyết khó khăn cho Dự án thành phần 4.
Mặc dù vậy đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT và Cục hàng không Việt Nam hiện vẫn chưa có giải pháp khả thi để lựa chọn nhà đầu tư. Nguyên nhân là do năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ chưa nghiêm.
Bộ GTVT chịu hoàn thành trách nhiệm trong việc triển khai chậm Dự án thành phần 4 làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của cảng hàng không và hiệu quả đầu tư của dự án.
Tổ công tác đã thống nhất giao Bộ GTVT chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan, báo cáo Chính phủ tại phiên họp gần nhất về việc triển khai Dự án thành phần 4, làm rõ các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị cụ thể giải pháp khả thi để thực hiện; trong đó kiến nghị giải pháp lựa chọn tư vấn quốc tế có năng lực, kinh nghiệm trong các dự án cảng hàng không quốc tế lớn trên thế giới để tư vấn về thiết kế tổng thể, lựa chọn nhà đầu tư các công trình thuộc Dự án thành phần 4.
Việc lựa chọn tư vấn quốc tế cần vận dụng tối đa quy định của pháp luật về đấu thầu, bảo đảm minh bạch và hiệu quả. Bộ KH&ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong quá trình tư vấn, xây dựng hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư, đánh giá hồ sơ dự thầu... để báo cáo Chính phủ.
Về lựa chọn đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thành công tác mời thầu trong tháng 7/2024, cần đưa ra tiêu chí phân chia hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư theo một tỷ lệ phù hợp với quy mô, mức độ phát triển của cảng hàng không qua các thời kỳ.
- Đối với các hạng mục: Bộ GTVT tiến hành rà soát dự án đầu tư đã được phê duyệt, thống nhất với UB Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam chủ trì triển khai đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền các hạng mục nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, kho giao nhận hàng, khách sạn sân bay, thành phố sân bay...
Bộ GTVT được yêu cầu khẩn trương lập báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng thể tiến độ thực hiện của dự án.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT, UB Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan, các chủ đầu tư cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương triển khai các hạng mục nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng, hoàn thành đồng thời các hạng mục để sớm đưa vào vận hành, khai thác, phát huy hiệu quả toàn bộ dự án.
Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được triển khai trên địa bàn huyện Long Thành (Đồng Nai) với quy mô 5.000ha và tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng.
Dự án được triển khai với 3 giai đoạn trong đó, giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành và khai thác trong năm 2026.
Sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay lớn nhất tại Việt Nam và là một trong những cảng hàng không trọng điểm của khu vực.
Bộ GTVT mới đây cũng đã lấy ý kiến về 5 phương án kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành (gồm 2 phương án đường bộ và 3 hướng tuyến đường sắt).
Việc kết nối hai sân bay nhằm tạo ra một cặp sân bay hỗ trợ khai thác lẫn nhau, đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển hàng không không chỉ tại TP. HCM mà cho cả một phần phía Nam của Việt Nam.