Chính phủ thâu tóm "cổ phần vàng": Cơ hội hay thách thức cho Alibaba và Tencent?

14-01-2023 16:16|Huệ Linh

Các cơ quan chính phủ Trung Quốc bắt đầu nắm giữ cái gọi là "cổ phần vàng" (golden shares) trong các công ty thuộc Alibaba và Tencent.

Theo Financial Times, Tập đoàn Truyền thông Chiết Giang thuộc sở hữu nhà nước đã mua 1% cổ phần Youku Film and Television của Alibaba. Một giám đốc mới đã được bổ nhiệm cùng ngày. Đáng nói, người này trùng tên với một quan chức của Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC).

Trong khi đó, WangTouSuiCheng (Bắc Kinh), thuộc Quỹ đầu tư Internet Trung Quốc (CIIF) do CAC thành lập, đã mua 1% cổ phần của Lujiao, đơn vị chuyên tập trung "nghiên cứu và thử nghiệm" của Alibaba.

Financial Times cho rằng mục tiêu của các khoản đầu tư là để Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát nội dung tại đơn vị phát video trực tuyến Youku và trình duyệt web UCWeb của Alibaba.

Bên cạnh đó, một cơ quan chính phủ cũng đang thảo luận mua cổ phần một công ty con của Tencent. Chi tiết về kế hoạch thâu tóm vẫn còn đang được thảo luận.

tencent.jpg

Bloomberg đưa tin cổ phiếu của Alibaba và Tencent đã giảm giá đôi chút trong ngày 13/1 sau khi thông tin về việc nhà nước sẽ nắm giữ "cổ phần vàng" trong công ty con của hai tập đoàn xuất hiện. Alibaba và Tencent chưa bình luận gì.

Vài năm qua, các cơ quan nhà nước Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các startup tư nhân nổi tiếng, từ hãng gọi xe Didi Global đến gã khổng lồ fintech (công nghệ tài chính) Ant Group của Jack Ma.

Tất cả các khoản nắm giữ này được gọi là "cổ phần vàng". Chúng thường chiếm khoảng 1% cổ phần của một công ty, mua bởi các quỹ hoặc công ty do chính phủ hậu thuẫn. Dù chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng họ có quyền đại diện hội đồng quản trị và/hoặc quyền phủ quyết với các quyết định kinh doanh quan trọng.

Trước đó, trong 5 năm gần đây, Bắc Kinh đã nắm giữ "cổ phần vàng" trong các công ty nội dung và truyền thông trực tuyến tư nhân như Bytedance - công ty mẹ Tiktok, Kuaishou và Weibo. Những năm gần đây, chính phủ đã mở rộng việc nắm "cổ phần vàng" trong các tập đoàn công nghệ khổng lồ của đất nước.

Theo các nguồn tin của Reuters, các công ty mà chính phủ Trung Quốc có "cổ phần vàng" cũng có thể thuận lợi hơn khi cố gắng xin giấy phép phát hành tin tức và phát sóng các chương trình âm nhạc, điện ảnh trực tuyến.

"Đối với tôi, tin tức này có chút tích cực. Alibaba và Tencent đã phải vật lộn với các vấn đề bị siết chặt quản lý trong những năm gần đây. Cổ phần của chính phủ có khả năng giúp họ được bật đèn xanh để kinh doanh trong các lĩnh vực mới và giảm rủi ro bị các cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn", Banny Lam, Trưởng nghiên cứu tại Ceb International bình luận.

Nhưng mặt khác, hai nhà phân tích Catherine Lim và Trini Tan của Bloomberg Intelligence cho rằng ảnh hưởng gia tăng của chính phủ đối với Alibaba và Tencent có thể làm tăng sự giám sát về khả năng mở rộng và hoạt động ở thị trường quốc tế của hai tập đoàn này.

Nhưng nhìn chung, Bloomberg vẫn cho rằng, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc với mong muốn vực dậy nền kinh tế số 2 thế giới, đang tìm cách hỗ trợ các công ty công nghệ.

PNJ báo lãi 7 tháng đầu năm đạt 1.171 tỷ đồng

Giá vàng nhẫn mất mốc 57 triệu đồng

Giá vàng nhẫn tăng cao, có loại đắt thêm 200.000 đồng/lượng

Bài thuộc chủ đề Công nghệ, Truyền thông
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chinh-phu-thau-tom-co-phan-vang-co-hoi-hay-thach-thuc-cho-alibaba-va-tencent-166055.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chính phủ thâu tóm "cổ phần vàng": Cơ hội hay thách thức cho Alibaba và Tencent?
POWERED BY ONECMS & INTECH