Xã hội

Chính thức từ tháng 7/2025, người tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng trợ cấp thai sản

Thùy Dung 22/08/2024 10:00

Đây là một trong những nội dung mới trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2025

Tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản

Theo đó, Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2025 quy định đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp thai sản:

1. Đối tượng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ sinh con;

b) Lao động nam có vợ sinh con.

2. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản.

3. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản quy định tại khoản 1 Điều này thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản.

4. Trường hợp người quy định tại Khoản 1 Điều này vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

5. Trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và cha được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.

6. Trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Mức hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra. Đồng thời, mức trợ cấp 2 triệu đồng cũng áp dụng cho trường hợp mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Riêng lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, khi sinh con còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ. Kinh phí thực hiện trợ cấp này do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Mở rộng đối tượng tham gia

Một trong những yêu cầu cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW đã xác định “Mở rộng đối tượng bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”; “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã cụ thể hóa các yêu cầu của Nghị quyết, quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo luật mới, quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm gồm:

  • Chủ hộ kinh doanh: Tham gia theo quy định của Chính phủ.
  • Người quản lý doanh nghiệp: Bao gồm kiểm soát viên, đại diện phần vốn Nhà nước, đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ theo Luật Doanh nghiệp.
  • Chức danh quản lý trong hợp tác xã: Thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu theo Luật Hợp tác xã, dù không hưởng lương.
    Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung thêm nhiều đối tượng tham gia, trong đó có chủ hộ kinh doanh. Ảnh: Internet

    Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung thêm nhiều đối tượng tham gia, trong đó có chủ hộ kinh doanh. Ảnh: Internet

Ngoài ra, luật cũng quy định về việc tham gia bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm việc không trọn thời gian. Những lao động này nếu có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất quy định thì phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong trường hợp các bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng vẫn có yếu tố công việc có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát, thì cũng phải thực hiện.

Hướng tới mục tiêu bao phủ toàn bộ người lao động có việc làm và thu nhập, Luật Bảo hiểm xã hội còn giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Quyết định này sẽ dựa trên đề xuất của Chính phủ và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Những thay đổi này không chỉ phù hợp với Bộ luật Lao động 2019 mà còn góp phần gia tăng quyền lợi cho các nhóm đối tượng mới, mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội, và nâng cao sự bảo vệ cho người lao động.

>> Chính thức từ tháng 7/2025, người lao động không còn được hưởng trọn 180 ngày nghỉ chế độ ốm đau dài ngày

Lùi lịch chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 9: Người hưởng cần chú ý

Cùng đóng BHXH 15 năm, vì sao nữ hưởng lương hưu 45%, nam chỉ 40%?

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/chinh-thuc-tu-thang-7-2025-nguoi-tham-gia-bhxh-tu-nguyen-cung-duoc-huong-tro-cap-thai-san-d131098.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Chính thức từ tháng 7/2025, người tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng trợ cấp thai sản
POWERED BY ONECMS & INTECH