Chính thức từ tháng 7/2025, người lao động không còn được hưởng trọn 180 ngày nghỉ chế độ ốm đau dài ngày
Đây là một trong những nội dung mới được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 tới đây.
Người lao động không còn được hưởng trọn 180 ngày
Theo đó, từ ngày 1/7/2025, khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực, người lao động mắc bệnh dài ngày không còn được nghỉ trọn 180 ngày nữa. Thời gian nghỉ sẽ được xác định theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội và điều kiện làm việc, không phân biệt loại bệnh mắc phải. Người lao động có thể hưởng chế độ ốm đau trong một năm tối đa từ 30 đến 70 ngày tùy theo điều kiện làm việc, với mức hưởng bằng 75% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, nếu hết thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm mà vẫn cần tiếp tục điều trị, người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sẽ được hưởng tiếp chế độ ốm đau với các mức sau:
- Bằng 65% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 30 năm trở lên;
- Bằng 55% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
- Bằng 50% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm.
Trong đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được tính như sau:
- Lương của tháng gần nhất trước tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau.
- Lương của tháng đầu tiên tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tháng tham gia trở lại nếu người lao động phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên tham gia hoặc tham gia trở lại.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản này được tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ lễ, Tết, hay ngày nghỉ hằng tuần.
Như vậy, từ ngày 1/7/2025, khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực, người lao động mắc bệnh dài ngày sẽ không còn được hưởng 180 ngày nghỉ chế độ ốm đau dài ngày.
Điều kiện, đối tượng được hưởng chế độ ốm đau theo quy định mới
Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ việc trong một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại (2):
- Điều trị bệnh mà không phải bệnh nghề nghiệp;
- Điều trị tai nạn mà không phải tai nạn lao động;
- Điều trị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo lộ trình và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
- Điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bệnh tật, thương tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do tai nạn như đã nêu trên;
- Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;
- Chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm.
(2) Người lao động không được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau đây:
- Tự gây thương tích hoặc tự gây tổn hại cho sức khỏe của mình;
- Sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định, trừ trường hợp sử dụng thuốc tiền chất hoặc thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất theo chỉ định của cơ sở y tế;
- Trong thời gian lần đầu phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Trong thời gian nghỉ việc theo quy định tại (1) trùng với thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật về lao động hoặc đang nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật chuyên ngành khác, hoặc đang nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
(Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)
>> Chính thức từ tháng 7/2025, 2 trường hợp đủ 70 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Chính thức từ 7/2025, thay đổi mức hưởng trợ cấp ốm đau cho người lao động tham gia BHXH
Chính thức từ 1/9, chi trả trực tiếp lương hưu và trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân