Chip TSMC vẫn ‘lọt vào tay’ Huawei bất chấp lệnh cấm: Lỗ hổng nằm ở đâu?
Dù nỗ lực tuân thủ các quy định kiểm soát xuất khẩu, TSMC vẫn thừa nhận rằng "không có gì đảm bảo" công ty sẽ không vướng vào rắc rối.
Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) mới đây đã nêu ra những thách thức trong việc đảm bảo khách hàng tuân thủ các quy định kiểm soát xuất khẩu, vài tháng sau khi phát hiện chip AI do TSMC sản xuất đã đến tay Huawei, tập đoàn bị Mỹ trừng phạt, thông qua các bên trung gian.

"Vai trò của TSMC trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn vốn đã hạn chế tầm nhìn và lượng thông tin mà công ty có được về mục đích sử dụng cuối cùng hoặc người dùng cuối của sản phẩm có chứa chip do TSMC sản xuất", công ty có trụ sở tại Tân Trúc, Đài Loan (Trung Quốc) cho biết trong báo cáo thường niên công bố hôm thứ Sáu.
Là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, TSMC thừa nhận hạn chế này khiến công ty khó có thể ngăn chặn việc sản phẩm bị sử dụng sai mục đích hoặc bị các đối tác kinh doanh và bên thứ ba chuyển hướng nhằm né tránh lệnh trừng phạt.
Do đó, dù nỗ lực tuân thủ các quy định kiểm soát xuất khẩu, TSMC vẫn thừa nhận rằng "không có gì đảm bảo" công ty sẽ hoàn toàn tránh được việc vi phạm quy định.
TSMC cung cấp dịch vụ sản xuất chip cho nhiều công ty thiết kế không sở hữu nhà máy (fabless), trong đó có Nvidia và Apple. Các sản phẩm bán dẫn do TSMC gia công thường được tích hợp vào thiết bị và linh kiện của bên thứ ba, chủ yếu là cho mục đích hợp pháp.
Ví dụ, Qualcomm và MediaTek đều hợp tác với TSMC để sản xuất chip di động cho các hãng smartphone như Xiaomi.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra vào năm ngoái của công ty nghiên cứu TechInsights (Canada) phát hiện rằng chip AI Ascend 910B của Huawei có chứa bán dẫn do TSMC sản xuất. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, TSMC đã ngừng giao hàng cho một khách hàng bị nghi có liên quan đến việc chuyển chip cho Huawei.
TSMC đã đề cập gián tiếp đến vụ việc này trong báo cáo thường niên và cho biết họ đã thông báo cho chính quyền Washington và Đài Bắc vào tháng 10 rằng một loại chip do họ sản xuất có thể đã bị chuyển hướng đến một thực thể bị hạn chế. TSMC cũng cho biết họ đang phối hợp cung cấp thêm thông tin và tài liệu theo yêu cầu từ các cơ quan chức năng.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiếp tục theo đuổi chính sách hạn chế công nghệ đối với Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Đầu tháng này, Mỹ công bố thêm một vòng quy định mới nhằm siết chặt quyền tiếp cận của Trung Quốc với các chip AI tiên tiến.
Washington cũng đã yêu cầu các hãng sản xuất chip như TSMC và Samsung phải tăng cường kiểm tra và thẩm định khách hàng, đặc biệt là với các công ty Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ đưa 16 công ty Trung Quốc vào danh sách đen, bao gồm Sophgo Technologies, công ty bị cáo buộc là trung gian giúp Huawei tiếp cận chip do TSMC sản xuất.
Ngoài Sophgo, Mỹ cũng đưa PowerAir, công ty có trụ sở tại Singapore, vào danh sách thực thể bị hạn chế sau khi SCMP đưa tin về nghi vấn công ty này tham gia chuyển hướng chip TSMC đến Huawei.
>> TSMC cam kết rót 100 tỷ USD, Mỹ có thể chiếm 40% thị phần chip toàn cầu?
‘Đốt tiền’ vào công nghệ, Huawei lần đầu tiên báo lỗ nặng sau nhiều năm
Huawei dính bê bối tham nhũng chấn động, 4 người bị bắt ở châu Âu