Vốn chỉ là một nghĩa địa nhưng nơi đây nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách bởi kiến trúc quá đỗi độc đáo và quy mô hoành tráng.
Nghĩa địa xa hoa nhất Việt Nam
Cách trung tâm thành phố khoảng 35km, nghĩa trang làng An Bằng thuộc xã Vinh An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) là một địa danh được nhiều người biết đến với cái tên "thành phố lăng mộ", "biệt thự lăng mộ" hay "nghĩa địa xa hoa nhất Việt Nam".
Từ trên cao nhìn xuống, khu nghĩa địa làng An Bằng với hàng nghìn ngôi mộ xa hoa nằm trải dài trên những cồn cát trắng. Kích thước các ngôi mộ tại đây cũng không đồng đều và mang đủ các phong cách. Những quần thể lăng mộ nơi đây nổi tiếng tới mức đến Huế, hỏi bất kỳ người dân nào cũng đều biết.
"Thành phố lăng mộ" không nằm tách biệt trên các sườn đồi hoặc xa khu dân cư mà là trải dài ra dọc biển và xen lẫn với những ngôi nhà của người sống. Các khu mộ được xây với đủ phong cách thiết kế. Chi phí xây dựng mỗi ngôi từ vài trăm triệu đến vài tỷ, có ngôi lên đến gần chục tỷ đồng.
Họa tiết được khảm sành sứ ở các lăng khá giống với cách trang trí tại lăng Khải Định khiến nhiều người phải "choáng" về sự tỉ mỉ đến từng chi tiết của người thợ. Một số lăng được xây dựng khang trang cả khi chưa có mộ phần. Bởi theo quan niệm của người dân địa phương, lo trước hậu sự thể hiện sự chu đáo.
Mỗi khu lăng mộ giống như một cung điện thu nhỏ với đầy đủ các linh vật lân, ly, quy, phượng, rồng canh giữ. Một số người thợ chuyên làm nghề xây lăng mộ ở đây cũng không thể nhớ nổi có bao nhiêu ngôi mộ ở trong khu nghĩa trang này.
Theo tìm hiểu, trước đây người dân thôn An Bằng sống bằng nghề đi biển. Nhiều năm trở lại đây, nhờ nguồn tiền gửi về từ nước ngoài, cuộc sống của người dân trở nên khá giả, đa số các hộ dân đều có người thân, họ hàng đang sinh sống ở Mỹ. Từ nguồn tiền trên mà những khu lăng mộ nguy nga, tráng lệ bắt đầu xuất hiện, có những lăng mộ có kinh phí xây dựng lên tới hàng tỷ đồng. Cũng từ đó, "phong trào" xây mộ bắt đầu nổi lên. Nhiều du khách tìm đến làng An Bằng để khám phá và tìm hiểu về nét độc đáo của "thành phố lăng mộ" ở Huế.
Lên báo nước ngoài bởi quá hoành tráng
Không chỉ nhận được sự quan tâm từ các du khách xa gần, nghĩa trang An Bằng còn nhận được sự quan tâm của báo chí nước ngoài. Một số tờ báo lớn đã đến An Bằng để tận tay ghi nhận vẻ độc đáo của nghĩa địa này như tờ Daily Mail (Anh) hay hãng tin AFP (Pháp)...
Một chi tiết mà phóng viên của tờ Daily Mail (Anh) khai thác được, đó là nhiều gia đình, dòng họ trong làng có con cháu làm việc, sinh sống ở nước ngoài, khi đã có được cuộc sống dư giả hơn, họ nhớ về tổ tiên, quê hương bản quán và thường gửi tiền về để đóng góp chung với mọi người trong dòng họ mỗi khi có đợt xây dựng, sửa sang lăng mộ.
Đời sống tâm linh của người Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những giáo lý nhà Phật, vì vậy, người Việt luôn coi việc thờ cúng tổ tiên là một trong những việc quan trọng nhất của đời sống.
Phóng viên của hãng tin AFP (Pháp) đã phỏng vấn được một người đàn ông bản địa. Người đàn ông này đã đưa phóng viên đi tham quan vòng quanh khu lăng mộ của dòng họ mình và chia sẻ rằng: “Đây là nơi để con cháu có thể bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với tổ tiên”.
Giống như đức tin của phần đông người Việt, người đàn ông cũng giải thích cho phóng viên hiểu rằng nơi yên nghỉ của tổ tiên được chăm sóc tốt sẽ giúp con cháu vững tâm trong cuộc sống và gia đình sẽ được “phù hộ”.
Sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong cách trang trí những khu lăng mộ thậm chí còn khiến phóng viên liên tưởng đến những lăng tẩm của vua chúa thời xưa. Gây sửng sốt nhất là những phần mộ trống đã được phân khu sẵn. Dân làng cho biết những người già cao tuổi ở đây đã chuẩn bị sẵn “hậu sự” cho mình, họ đã xin sẵn một phần đất trong khu lăng mộ của dòng họ để tính chuyện “mai này”.
Dù vậy, chính quyền địa phương không khuyến khích người dân đầu tư quá nhiều tiền bạc vào các khu lăng mộ, thậm chí họ đã từng tiến hành những chiến dịch vận động cộng đồng để người dân có cách chi tiêu hợp lý đối với việc xây cất, sửa chữa lăng mộ, tránh việc lãng phí tiền bạc quá mức trong khi đời sống “người dương” vẫn còn đang đối diện với nhiều khó khăn.